Tháng 1/2004, Choi, 14 tuổi, sống ở thành phố Ulsan, dùng điện thoại di động gọi cho một bạn nữ cùng lớp nhưng bấm nhầm số và gọi vào máy của Kim, nam sinh trung học 18 tuổi ở thành phố Miryang.
Choi định cúp máy ngay, nhưng lại nghe Kim nói: “Giọng em hay quá, rủ bạn bè của em đến đây chơi đi”. Câu nói này khơi dậy sự tò mò của Choi.
Khi gặp mặt, Kim giới thiệu Choi với Park, thủ lĩnh của “Liên minh Miryang”, một băng nhóm bạo lực gồm nam sinh ở ba trường trung học tại Miryang. Park và hơn chục đàn em đe dọa và đánh đập Choi, sau đó đưa đến khách sạn tấn công tình dục.
Để tiếp tục kiểm soát Choi, Kim chụp ảnh, quay phim toàn bộ quá trình, lấy được địa chỉ và trường lớp của Choi, dọa tung lên mạng, ép nữ sinh chịu sự hành hạ về thể xác từ Kim và đồng bọn trong 11 tháng tiếp theo.
Choi còn bị ra lệnh đưa em gái 13 tuổi và chị họ 16 tuổi đến Miryang, khiến cả hai cùng bị hành hung. Những kẻ tấn công cũng tống tiền các nạn nhân.
Choi từng được đưa đi khám phụ khoa vì bị tổn thương do những trò tra tấn của đám nam sinh. Tháng 12/2004, nữ sinh không thể chịu nổi nên uống thuốc ngủ tự tử dẫn đến hôn mê. Sau đó gia đình mới biết chuyện đã xảy ra với ba chị em và báo cảnh sát.
Theo cảnh sát, ít nhất 44 nam sinh đã tham gia vào các vụ tấn công trong khoảng thời gian 11 tháng. Ban đầu khi nhận được trình báo, cảnh sát Miryang hứa với gia đình Choi sẽ bí mật điều tra và giữ kín thông tin về ba chị em vì nạn nhân chưa đủ tuổi thành niên.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ba chị em yêu cầu được thẩm vấn bởi các nữ cảnh sát nhưng bị phớt lờ. Một sĩ quan được cho là đã nói với các nạn nhân: “Có phải cô đã cố dụ dỗ họ không? Cô đã hủy hoại danh tiếng của Miryang. Những chàng trai sẽ lãnh đạo thành phố trong tương lai giờ đều bị bắt nhờ cô đó. Cô định làm gì?… Tôi sợ rằng con gái tôi sẽ trở nên giống cô”.
Một sĩ quan còn tiết lộ thông tin về cuộc điều tra cho giới truyền thông, khiến danh tính của các nạn nhân xuất hiện trên báo chí.
Một cuộc tranh cãi nổ ra về những cáo buộc rằng cảnh sát đã ngược đãi các nạn nhân, đỉnh điểm là buổi thắp nến cầu nguyện của 150 người biểu tình.
Ngày 7/12/2004, sau khi cảnh sát tạm giữ 41 nam sinh, cuộc điều tra chi tiết hơn cho thấy có tới 70 người có liên quan. Tuy nhiên lệnh bắt giữ chỉ được áp dụng với ba người. Sau sự phản đối của phía nạn nhân và công chúng, 9 nam sinh khác bị bắt.
Khi nhận dạng, cảnh sát yêu cầu nhiều nam sinh, trong đó có nghi phạm, đứng thành hàng, đồng thời yêu cầu nạn nhân đối mặt với từng người chứ không phải qua tấm gương một chiều. Một sĩ quan hỏi nạn nhân những câu hỏi thô tục ngay trước mặt các nghi phạm. Trong quá trình đối chất, nghi phạm kích động đe dọa, thậm chí chửi bới. Một nạn nhân đã phải nhập viện để điều trị tâm thần sau những trải nghiệm này.
Choi nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi không cảm thấy được bảo vệ chút nào. Thay vào đó, tôi cảm thấy vô cùng nhục nhã và rất sợ bị trả thù.”
Hàng chục thân nhân của các nghi phạm liên tục gây rối ở nơi công cộng. Họ khẳng định trước truyền thông rằng con trai họ vô tội và bị gài bẫy, buộc tội nạn nhân “dụ dỗ”, đồng thời phát tờ rơi trước cửa công ty của bố mẹ Choi để chửi rủa và dọa “cùng chết”. Họ uy hiếp các nạn nhân “từ giờ nên coi chừng vì đã báo cảnh sát”. Một số người đến trường của Choi quấy rầy và lăng mạ, khiến nữ sinh phải nghỉ học.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, cha mẹ của một trong những nghi phạm nói: “Tại sao chúng tôi phải cảm thấy có lỗi với gia đình nạn nhân? Tại sao bạn không nghĩ đến nỗi đau khổ của chúng tôi? Ai có thể cưỡng lại sự cám dỗ khi các cô gái cố gắng quyến rũ các chàng trai? Đáng lẽ họ phải dạy dỗ con gái họ cách cư xử như thế nào để tránh được tai nạn kiểu này”.
Ngay sau đó, những lời đồn đổ lỗi cho nạn nhân lan truyền ở Miryang. Trong cuộc khảo sát năm 2005 với 645 cư dân thành phố, 64% chủ quan tin rằng Choi có lỗi dù chưa hiểu rõ toàn bộ sự việc.
Ngày 17/5/2005, cảnh sát ra thông báo “có 44 nghi phạm, ba nạn nhân, số còn lại không đủ bằng chứng nên không thể xác nhận”.
Cảnh sát cho biết vì nghi phạm đều là trẻ vị thành niên nên chỉ 10 người bị khởi tố. 20 người bị đưa đến các trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên và không bị lưu hồ sơ phạm tội. 14 người còn lại đã hòa giải với gia đình nạn nhân.
10 bị cáo bị buộc tội tấn công tình dục tập thể, các công tố viên yêu cầu mức án từ hai đến bốn năm tù treo, thử thách trong ba năm. Nêu lý do các bị cáo còn trẻ, một số người đã được nhận vào đại học hoặc được tuyển dụng làm việc, thẩm phán từ chối cáo buộc đối với cả 10 người, thay vào đó chuyển họ đến tòa án vị thành niên.
Một yếu tố dẫn đến quyết định này là bố của Choi đã thỏa thuận với một số bị cáo, nhận 50 triệu won để nộp đơn xin tha tội cho họ. Bố Choi nghiện rượu, đã ly hôn với mẹ nạn nhân từ ba năm trước do bạo lực gia đình, cầm tiền rồi biến mất. Cuối cùng, chỉ năm bị cáo bị đưa đến trung tâm giam giữ thanh thiếu niên và không ai bị kết án hình sự.
Tháng 8/2007, Tòa án cấp cao Seoul phát hiện các sĩ quan cảnh sát Miryang phạm tội sơ suất trong việc bảo vệ các nạn nhân và yêu cầu họ bồi thường tổn thất tinh thần tổng cộng 50 triệu won cho hai nạn nhân và gia đình. Tháng 6/2008, Tòa án Tối cao đưa ra mức bồi thường là 70 triệu won.
20 năm sau, vào 1/6/2024, vụ án thu hút sự chú ý trở lại khi một YouTuber bí ẩn đăng video tiết lộ danh tính của một số thủ phạm và nghi phạm.
YouTuber bí ẩn chỉ ra rằng kẻ chủ mưu Kim không bị ảnh hưởng bởi vụ án, có sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc và vẫn giữ liên lạc với các đồng bọn.
Kim cùng một số nghi phạm khác bị sa thải sau làn sóng chỉ trích của người dùng mạng. Dư luận không chấp nhận tha thứ do những kẻ này sống thoải mái trong khi nạn nhân bị vùi dập và không phải chịu sự trừng phạt thích đáng.
Những video của YouTuber bí ẩn gây ra tranh cãi về “các biện pháp trừng phạt cá nhân”. Ngày càng nhiều YouTuber và người dùng mạng tham gia vào cơn bão tiết lộ danh tính này. Đến 11/6, cảnh sát đã nhận được ba đơn khiếu nại và 13 đơn kiến nghị phỉ báng không chỉ của nghi phạm mà còn của những cá nhân khác bị tiết lộ danh tính.
Bất chấp tuyên bố của nhiều YouTuber rằng gia đình nạn nhân đã đồng ý tiết lộ danh tính thủ phạm, Trung tâm Cứu trợ Bạo lực Tình dục Hàn Quốc, cơ quan tuyên bố đại diện cho nạn nhân từ năm 2004, không đồng tình với hành vi này.
Nhiều năm qua, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi vụ án, Choi mắc chứng chán ăn và trầm cảm. Thông qua trung tâm, Choi cảm ơn công chúng chú ý đến vụ án đồng thời mong muốn không bị tổn hại thêm sau khi danh tính của thủ phạm được tiết lộ.
Ngày 21/6, một trong những nghi phạm gửi thư tay xin lỗi tới YouTuber bí ẩn: “20 năm trước, vì sự ngu ngốc và thiếu hiểu biết, tôi đã phạm phải một tội ác sẽ không bao giờ xóa bỏ được đối với nạn nhân”.
Ngày 25/6, những người đứng đầu 80 cơ quan, tổ chức ở thành phố Miryang cùng cúi đầu xin lỗi công khai về vụ hiếp dâm tập thể tai tiếng xảy ra hai thập kỷ trước, trong buổi họp báo ở tòa thị chính.
Lời xin lỗi chung được đưa ra với quan điểm cho rằng chính quyền Miryang, trung tâm của vụ hiếp dâm tập thể gây tranh cãi xảy ra cách đây 20 năm, không nên nhắm mắt làm ngơ trước sự phẫn nộ của dư luận và bỏ qua vụ việc một lần nữa. Thành phố đã tổ chức cuộc họp đối phó vụ việc vào ngày 7/6 và quyết định ra tuyên bố chính thức bày tỏ xin lỗi.
Thị trưởng Ahn Byung-gu cho hay: “Lỗi của những người lớn chịu trách nhiệm dạy dỗ, dẫn dắt trẻ là rất lớn và cộng đồng địa phương chưa kịp phản ánh, xin lỗi đúng đắn cũng không thoát khỏi trách nhiệm”. Ông hy vọng rằng quyền của các nạn nhân sẽ được tôn trọng, bảo vệ và không còn phải chịu đau khổ nữa.
Đầu tháng 7, Lee, một trong những thủ phạm của vụ án, lộ diện công khai xin lỗi nạn nhân trong một video trên kênh YouTube Miryang The Glory, sau khi bị tiết lộ danh tính vào tháng 6. Một ngày sau, một thủ phạm khác là Yoon cũng xin lỗi trong một video dài 3 phút. Tuy nhiên, cả hai đều không tiết lộ chi tiết vụ việc.
Vụ án được lấy cảm hứng cho phim điện ảnh Han Gong-ju (2013) và phim truyền hình điều tra tội phạm Signal (2016).
Tuệ Anh (Theo Xiaoxiang Chenbao, Korea Herald)