Ba ngày bắt cóc con trai của ca sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20

Ngày 8/12/1963, cơn ác mộng tồi tệ nhất của vợ chồng Frank Sinatra thành sự thật khi con trai của họ bị bắt cóc. Chàng trai 19 tuổi, Frank Con, khi đó bắt đầu theo bước cha mình để dấn thân sự nghiệp ca hát. Kẻ chủ mưu, hóa ra là người rất gần gũi: Bạn học của chị gái anh.





Cha con huyền thoại âm nhạc thế kỷ 20 Frank Sinatra. Ảnh: WP

Cha con huyền thoại âm nhạc thế kỷ 20 Frank Sinatra. Ảnh: WP

Barry Keenan, 23 tuổi, là sinh viên Đại học California UCLA, học chung trường tiểu học với Nancy, chị gái của Frank Con.

Đến năm 1963, Keenan phải vật lộn với chứng nghiện thuốc giảm đau sau một vụ tai nạn xe hơi. Anh ta bắt đầu nghĩ cách kiếm tiền nhanh chóng qua việc bắt cóc và cho rằng Frank Con, 19 tuổi, có thể là “ứng cử viên” hoàn hảo.

Hắn ban đầu nhắm vào nhà hai siêu sao cùng thời là Bob Hope và Bing Crosby, song cuối cùng gia đình Frank Sinatra được cho là phù hợp nhất.

“Ban đầu tôi nghĩ đến Tony, con của Bob Hope nhưng Bob Hope rất tích cực trong việc giải trí cho quân đội và có vẻ như là một người tốt toàn diện. Bắt cóc Tony có vẻ không phải là một việc làm rất Mỹ”, Keenan sau này giải thích về việc chọn mục tiêu.

Keenan tiếp tục: “Tôi quyết định chọn Frank Con và có vẻ Frank Cha rất cứng rắn, và tôi biết Frank luôn đạt được điều mình muốn. Sẽ không sai về mặt đạo đức nếu bắt ông ấy phải trải qua vài giờ đau buồn vì lo lắng cho con trai”.

Keenan khai không có ý định giữ lại số tiền từ vụ bắt cóc Frank Con mà dự định đầu tư số tiền đó. “Kiếm đủ để giúp đỡ bản thân và gia đình, rồi cuối cùng sẽ trả lại toàn bộ cho Frank Cha”.

Điều đầu tiên anh cần là đồng phạm. Keenan đã rủ người bạn thời trung học – Joe Amsler 23 tuổi, mới kết hôn và bạn trai cũ của mẹ anh, John Irwin 42 tuổi.

Sau những nỗ lực bất thành ở Phoenix và Los Angeles, Keenan lên kế hoạch bắt cóc vào ngày 22/11/1963. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị phá sản khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào hôm đó tại Dallas.

Cuối cùng, Keenan quyết định bắt cóc Frank Con ở Stateline, Nevada, trên bờ Hồ Tahoe, trong buổi biểu diễn.

Khoảng 21h ngày 8/12/1963, họ gõ cửa căn phòng nơi Frank Con đang ăn gà với nghệ sĩ chơi kèn trumpet của anh. Keenan và Amsler vờ đang giao hàng để được vào phòng. Sau đó, Keenan rút súng ra và bắt đầu đe dọa.

“Im lặng thì không ai bị thương. Cả hai người hãy nằm xuống sàn, đây là một vụ cướp. Tiền của các người đâu?”, Keenan nói.

Nghệ sĩ kèn không có tiền, còn Frank Con chỉ có đúng một tờ 20 USD. Băng cướp lấy tiền mặt rồi trói nghệ sĩ kèn bằng băng dính, vờ như họ không biết Frank Con là ai, bịt mắt và đưa anh ta xuống ôtô.

Nghệ sĩ chơi kèn đã tự giải thoát trong vòng vài phút và ngay lập tức thông báo cho chính quyền. Mặc dù vậy, Keenan và Amsler đã vượt qua được các rào chắn của cảnh sát và đưa Frank Con đến một vùng ngoại ô yên tĩnh của Los Angeles. Ở đó, Frank Con đã từ chối đọc số điện thoại của cha.

“Bắn tôi đi, đánh tôi đi, bất cứ điều gì. Tôi không cho các người số điện thoại. Tôi không sợ các người đâu”, cậu nói.

Song trên thực tế, những kẻ bắt cóc Frank Con không cần số điện thoại. Chúng biết rằng Frank Cha đang làm việc với FBI và đã lập trụ sở tại khách sạn Mapes ở Reno. Chúng tìm thấy số điện thoại của khách sạn và gọi cho Frank Cha để thương thảo.

Những kẻ bắt cóc đòi 240.000 USD tiền chuộc, tương đương 2,4 triệu USD hiện nay, theo The People.





Tiền chuộc được Frank Sinatra chuẩn bị ngay trong ngày và mang đến địa điểm nhóm bắt cóc yêu cầu. Ảnh: ATI

Tiền chuộc được Frank Sinatra chuẩn bị ngay trong ngày và mang đến địa điểm nhóm bắt cóc yêu cầu. Ảnh: ATI

Chúng cũng ra điều kiện, Frank Cha chỉ được liên lạc qua điện thoại công cộng mà vào năm 1963 có thể trả bằng đồng xu 10 xu. Frank Cha đã làm theo chỉ dẫn và bắt đầu mang theo 10 đồng xu mười xu bên túi áo mình mọi lúc, một thói quen mà ông duy trì cho đến ngày qua đời và được chôn cùng những đồng xu đó.

Ngay sau vụ bắt cóc con trai, Frank Cha đã nhận được lời đề nghị hỗ trợ từ Tổng chưởng lý Robert Kennedy và Sam Giancana, một trong những thủ lĩnh tội phạm có tổ chức quyền lực nhất đất nước. Ông đã từ chối và thay vào đó chấp nhận sự hỗ trợ từ FBI.

Sau một loạt các cuộc gọi điện thoại 10 xu, những kẻ bắt cóc đã tiết lộ điểm Frank Cha cần thả tiền chuộc: giữa hai xe buýt trường học tại thị trấn Sepulveda, California. Sáng sớm 11/12, Frank Cha mang theo tiền đến điểm hẹn.

Song, trong khi Keenan và Amsler đi lấy tiền, gã còn lại là Irwin bắt đầu lo lắng về toàn bộ âm mưu bắt cóc này. Thay vì chờ đợi cộng sự của mình quay lại với mớ tiền, anh quyết định thả Frank Con.

Frank Con được tìm thấy cách đó vài dặm tại Bel Air. Trong nỗ lực tránh gây xôn xao dư luận, các viên chức thực thi pháp luật đã đón Frank Con và đưa về nhà trong cốp xe của họ.

Ba gã bất hảo sau đó đã ăn mừng vụ chuộc tiền thành công và thở phào khi báo chí đưa tin Frank Con đã về nhà an toàn. “Chúng tôi đã bày hết tiền ra, nhảy múa trên đó, châm thuốc bằng tiền, ném từng cục tiền vào nhau, làm mọi thứ chúng tôi từng thấy trong phim,” Keenan sau này trả lời báo chí.

Nhưng FBI không mất nhiều thời gian để lần ra những kẻ bắt cóc.

Frank Con không thể nói nhiều với FBI về những kẻ bắt cóc mình. Nhưng anh không cần phải làm vậy.

John Irwin, kẻ nhát cáy đã thả Frank Con, vài ngày sau kể chuyện với anh trai. Người anh lập tức báo cảnh sát và ba gã nông nổi bị bắt cùng ngày, tiền chuộc được thu hồi về gần như nguyên vẹn.





Nhóm bắt cóc gồm Keenan, Irwin và Amsler (từ trái qua), khi bị bắt. Ảnh: Remind Magazine

Nhóm bắt cóc gồm: Keenan, Irwin và Amsler (từ trái qua), khi bị bắt. Ảnh: Remind Magazine

Ngày 10/2/1964, ba tên bị đưa ra xét xử. Keenan ban đầu khai rằng toàn bộ sự việc là trò “đánh bóng tên tuổi” do gia đình Frank Sinatra tự dựng lên song sau đó đã nhận tội.

Keenan và Amsler bị kết án tù chung thân và Irwin án 75 năm tù. Tuy nhiên, sau khi trải qua các đánh giá tâm thần và kháng cáo bản án, cả ba cuối cùng đều thụ án ít thời gian hơn nhiều. Amsler và Irwin được thả sau ba năm rưỡi, và Keenan đã phải ngồi tù bốn năm rưỡi.

Ngay cả sau khi nhóm của Keenan bị kết án, những tin đồn vẫn tiếp diễn. Frank Con suốt nhiều năm mang tiếng “dàn dựng bắt cóc” để dọn đường cho sự nghiệp âm nhạc.

“Bọn tội phạm đã bịa ra một câu chuyện rằng toàn bộ sự việc là giả mạo. Đó là điều kỳ thị mà tôi phải chịu”, ông nói với tờ The Guardian vào năm 2012.

Cuối cùng, vụ bắt cóc đã khiến Frank Con trở nên nổi tiếng, nhưng không phải theo cách anh mong muốn, dù sau này vẫn trở thành nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc trưởng thành danh. Ông mất năm 2016 ở tuổi 72 vì ngưng tim đột ngột khi đang đi lưu diễn ở Florida.

Về phần mình, Keenan sau khi ra tù đã trở thành một nhà phát triển bất động sản thành đạt, nắm giữ tài sản hàng triệu USD.

Vụ bắt cóc đã được tái hiện trong bộ phim hài Stealing Sinatra, năm 2004.

Frank Sinatra là một trong những nghệ sĩ âm nhạc bán chạy nhất thế giới với doanh số bán đĩa ước tính 150 triệu bản toàn cầu.

Năm 1985, ông được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống và Huân chương Vàng của Quốc hội năm 1997.

Trong sự nghiệp âm nhạc 60 năm, Frank Sinatra đã nhận 11 Giải Grammy, bao gồm Giải Grammy Trustees, Giải Grammy Legend và Giải Grammy Thành tựu trọn đời.

Ngoài sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, Frank Sinatra cũng vô cùng thành công với tư cách diễn viên điện ảnh khi dành một giải Oscar cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất và một giải Quả cầu vàng.

Ông được tạp chí Time vinh danh 100 người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Các nhà phê bình âm nhạc và người hâm mộ vinh danh ông là “ca sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20”, được coi là một nhân vật mang tính biểu tượng của thời đại.

Hải Thư (Theo History, People, ATI, Esquire)