Vụ án tổng thống Mỹ hai lần bị ám sát hụt

Ông Ford từng là lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ từ 1965 đến 1973, là phó tổng thống thứ 40 dưới thời Tổng thống Richard Nixon từ 1973 đến 1974. Ông kế nhiệm chức tổng thống khi ông Nixon từ chức tháng 8/1974.

Trong thời gian đương nhiệm, ông Ford từng hai lần bị kẻ ám sát ẩn trong đám đông chĩa súng vào người, nhưng đều may mắn thoát chết.

Súng không lên đạn

Đầu tháng 8/1975, tờ New York Times đưa tin Tổng thống Ford yêu cầu Quốc hội nới lỏng các điều khoản của Đạo luật Không khí Sạch năm 1963, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về chuyến đi sắp tới của ông đến thành phố Sacramento, California. Tổng thống Ford được mời đọc bài phát biểu vào sáng 5/9/1975 tại cuộc tụ họp thường niên của các lãnh đạo doanh nghiệp ở California.

Sau khi biết về chuyến thăm sắp tới của Ford, cựu tù nhân Thomas Elbert gọi điện cho Cơ quan Mật vụ Mỹ dọa giết Ford khi ông đến thăm Sacramento. Elbert bị bắt vào ngày 18/8/1975.

Cùng lúc đó, Lynette Fromme, 26 tuổi, tín đồ của giáo phái Charles Manson, tin rằng những cây gỗ đỏ khổng lồ ven biển California có nguy cơ bị tàn phá do khói ôtô lan đến. Qua bản tin, Fromme biết Tổng thống Ford sẽ đến Sacramento vào sáng 5/9 và quyết định thu hút sự chú ý về vấn đề rừng cây bằng cách gây sợ hãi cho chính phủ thông qua việc ám sát tổng thống.

Fromme nói rằng quyết định của cô ta bắt nguồn từ mong muốn “có được sự sống, không chỉ cuộc sống của tôi mà cả không khí trong lành, nước sạch và sự tôn trọng các sinh vật và tạo vật”.

Khách sạn mà ông Ford ở nằm cách căn hộ của Fromme hơn chưa đầy một km – khoảng 15 phút đi bộ. Để chuẩn bị cho kế hoạch, Fromme xin từ kẻ ủng hộ gia đình Manson một khẩu Colt 45, loại súng lục từng được sử dụng trong quân đội.

Sáng 5/9/1975, Fromme, mặc trang phục toàn màu đỏ, đặt khẩu Colt 45 vào bao súng đeo ở chân trái, đi từ căn hộ đến khu đất bên ngoài tòa nhà nghị viện bang. Lúc 9h26, Tổng thống Ford đã quay lại khách sạn sau buổi diễn thuyết kéo dài hai giờ. Ông băng qua phố lúc 10h02, bắt tay với đám đông đang tụ tập trên đường trong khi tiến về phía lối vào tòa nhà nghị viện.

Khi đã di chuyển khoảng 46 m, Tổng thống Ford nhìn thấy một phụ nữ trong bộ váy màu đỏ, cho rằng cô này cũng muốn bắt tay hoặc nói chuyện. Lúc này, Fromme đứng cách ông Ford khoảng 600 m, phía sau hàng người đầu tiên, thò tay vào áo choàng, rút khẩu Colt 45 từ bao súng ở chân. Cô ta giơ cánh tay phải về phía ông Ford, xuyên qua hàng người phía trước và chĩa súng vào độ cao giữa đầu gối và thắt lưng ông.

Từ góc nhìn của mình, Tổng thống Ford kể lại: “… khi tôi dừng lại, tôi thấy một bàn tay xuyên qua đám đông ở hàng đầu tiên, đó là cử chỉ đầu tiên mà tôi nhìn thấy, nhưng trên tay này có một khẩu súng”.

Trong khi Fromme chĩa súng vào tổng thống, một số người nghe thấy tiếng “cạch”. Khi cô ta hét lên “Nó không nổ”, mật vụ chộp lấy khẩu súng, giằng nó khỏi tay Fromme và đè cô ta xuống đất. Trên mặt đất, Fromme nói: “Nó không nổ. Tin được không? Nó không nổ”.

Cảnh sát Sacramento và các mật vụ còng tay Lynette Fromme dưới gốc cây ở Capitol Park sau khi cô ta cố bắn Tổng thống Gerald Ford vào ngày 5/9/1975. Ảnh: Sacramento Bee

Cảnh sát Sacramento và các mật vụ còng tay Lynette Fromme dưới gốc cây ở Capitol Park sau khi cô ta cố bắn Tổng thống Gerald Ford vào ngày 5/9/1975. Ảnh: Sacramento Bee

Khẩu súng lục chứa đạn trong hộp tiếp đạn có thể tháo rời ở báng súng, nhưng không có viên nào trong buồng đạn. Thời điểm đó, Fromme không biết rằng cần phải kéo chốt trượt để lắp đạn vào buồng đạn. Tuy nhiên, năm 1980, khi ở trong tù, Fromme khai rằng đã cố tình bỏ lại viên đạn trên cùng từ hộp tiếp đạn của khẩu súng xuống sàn căn hộ của mình, vì “không quyết tâm giết người”.

Các mật vụ sau đó nửa kéo tổng thống rời xa Fromme về phía lối vào tòa nhà nghị viện, cho đến khi ông hét lên: “Thả tôi xuống!”. Ông Ford tiếp tục đi bộ vào tòa nhà, sau đó gặp thống đốc California Jerry Brown lúc 10h06 trong 30 phút mà không đề cập đến vụ ám sát cho đến khi kết thúc công việc.

Sau này, Tổng thống Ford cho biết không hề sợ hãi và nói: “Tôi nghĩ tốt hơn là nên tiếp tục lịch trình của mình”.

Sau vụ ám sát hụt, Sở Mật vụ không cho phép phóng viên hoặc nhiếp ảnh gia đến gần tổng thống trong chuyến đi tiếp theo của ông tới California.

Tổng thống Gerald Ford vội rời đi trong vòng vây mật vụ sau vụ ám sát hụt của  Lynette Fromme. Ảnh: Gerald R. Ford Presidential Library

Tổng thống Gerald Ford vội rời đi trong vòng vây mật vụ sau vụ ám sát hụt của Lynette Fromme. Ảnh: Gerald R. Ford Presidential Library

Ngày 20/9/1975, thẩm phán liên bang Thomas J. MacBride ấn định ngày 4/11/1975 là ngày bắt đầu phiên tòa xét xử Fromme vì tội âm mưu ám sát tổng thống Mỹ. Ba ngày trước khi phiên tòa bắt đầu, Tổng thống Ford đưa ra lời khai bằng video từ Nhà Trắng với tư cách là nhân chứng. Lời khai này là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ làm chứng tại một phiên tòa hình sự.

Trong phiên tòa, Fromme từ chối hợp tác, thậm chí ném một quả táo vào công tố viên kêu gọi đưa ra hình phạt nghiêm khắc vì Fromme đã thể hiện bản thân là người “đầy thù hận và bạo lực”.

Ngày 19/11/1975, Fromme bị kết tội âm mưu ám sát Tổng thống Ford, nhận án chung thân. Trong thời gian thi hành án, Fromme bỏ trốn khỏi nhà tù, bị bắt lại sau hai ngày và phải nhận thêm hình phạt.

Fromme được ân xá sau 34 năm ngồi tù, được thả tự do vào ngày 14/8/2009.

Súng bị lỗi

Ngày 22/9/1975, 17 ngày sau khi bị ám sát hụt ở Sacramento, Tổng thống Ford lại bị Sara Jane Moore, một nhà chính trị quá khích, âm mưu sát hại ở San Francisco.

Moore đã được Sở Mật vụ đánh giá trước đó vào năm 1975, nhưng các đặc vụ kết luận rằng Moore không gây nguy hiểm cho tổng thống. Cô ta bị cảnh sát giam giữ vì tội sử dụng súng ngắn trái phép một ngày trước vụ ám sát, nhưng được thả. Cảnh sát đã tịch thu khẩu súng lục ổ quay cỡ nòng 44 và 113 viên đạn của Moore.

15h30 ngày 22/9/1975, sau khi nói chuyện với Hội đồng Các vấn đề Thế giới, Tổng thống Ford bước ra từ lối vào của khách sạn St. Francis ở Quảng trường Union, sau đó đi về phía xe limousine. Trước khi lên xe, ông dừng lại vẫy tay chào đám đông tụ tập bên kia đường.

Đứng trong đám đông cách ông Ford hơn 12 m, Moore bắn hai phát bằng khẩu súng lục ổ quay cỡ nòng 38 Special. Phát súng đầu tiên sượt qua đầu ông Ford 12,7 cm và xuyên qua bức tường phía trên cánh cửa ông vừa bước ra. Moore sử dụng khẩu súng mua vội vào sáng hôm đó, không biết cách ngắm chuẩn nên đã bắn trượt.

Các mật vụ vây lấy Tổng thống Gerald Ford vài giây sau khi Sara Jane Moore nổ súng vào ngày 22/9/1975. Ảnh: San Francisco Chronicle

Các mật vụ vây lấy Tổng thống Gerald Ford vài giây sau khi Sara Jane Moore nổ súng vào ngày 22/9/1975. Ảnh: San Francisco Chronicle

Thấy không trúng đích, Moore lại giơ súng lên. Ngay lúc này, Oliver Sipple, cựu lính thủy đánh bộ có mặt tại hiện trường, lao vào tóm lấy cánh tay cầm súng trước khi Moore bóp cò lần hai. Phát đạn thứ hai trúng John Ludwig, tài xế taxi 42 tuổi đang đứng bên trong khách sạn. Ludwig sống sót nhờ đạn không trúng chỗ hiểm.

Đại úy cảnh sát San Francisco Timothy Hettrich chộp lấy Moore và giật khẩu súng khỏi tay cô ta. Nhiều sĩ quan khác lập tức tham gia khống chế Moore. Trong lúc đó, đội mật vụ đẩy tổng thống vào xe limousine, dùng thân thể che chắn cho ông. Chiếc limousine chạy đến Sân bay Quốc tế San Francisco, sau đó Tổng thống Ford lên chiếc Không lực Một để trở lại Washington.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009, Moore giải thích động cơ là châm ngòi cho một cuộc cách mạng bạo lực nhằm mang lại sự thay đổi cho nước Mỹ.

Moore nhận tội âm mưu ám sát vào ngày 12/12/1975, bị kết án tù chung thân. Thẩm phán cho rằng Moore vì “súng của cô ta bị lỗi” nên tổng thống mới thoát nạn.

Năm 1979, Moore trốn thoát khỏi nhà tù nhưng bị bắt vài giờ sau đó. Ngày 31/12/2007, sau 32 năm thụ án, Moore được ân xá ở tuổi 77. Moore cho biết bị “mù quáng trước quan điểm chính trị quá khích của mình”, bày tỏ hối hận về vụ ám sát và “vui mừng vì đã không thành công”.

Sau hai vụ ám sát xảy ra trong cùng một tháng, từ tháng 10/1975, Tổng thống Ford mặc áo khoác chống đạn khi ở nơi công cộng.

Thống đốc California Jerry Brown đáp trả hai vụ ám sát nhằm vào Tổng thống Ford ở California bằng cách ký các dự luật áp dụng bản án bắt buộc đối với những người bị kết án sử dụng súng để phạm tội nghiêm trọng và siết chặt luật sử dụng súng.

Ngày 23/8/1989, Văn phòng công tố liên bang tại Sacramento tặng khẩu súng lục của Fromme cho bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford.

Sau khi gặp nhiều vấn đề sức khỏe, ông Ford qua đời tại California vào năm 2006.

Tuệ Anh (Theo NYTimes, Sacramento Bee)