Vỏ bọc bạn thân của kẻ hiếp dâm bịt mặt

Trong 12 năm chung sống, John Palomba chưa bao giờ phải xa vợ Donna một đêm nào. Nhưng đến tháng 9/1993, cặp đôi được mời đến dự đám cưới một người bạn ở Colorado. Họ quyết định để John đi một mình vì Donna, giám đốc tiếp thị 36 tuổi, phải ở nhà để hoàn thành công việc và chăm sóc hai con 5 và 7 tuổi.

Dù vợ đảm bảo mọi chuyện sẽ ổn, John vẫn thấy lo lắng, hướng dẫn Donna khóa cửa cẩn thận trước khi rời khỏi nhà.

Tối 10/9/1993, Donna đưa hai con đi dự một buổi hòa nhạc rồi trở về nhà ở thành phố Waterbury, bang Connecticut. Cô nhớ đã đóng cửa, khóa lại rồi mặc đồ ngủ cho bọn trẻ, cầu nguyện và đắp chăn cho chúng.

Donna ngủ một mình trong phòng ngủ chính. Cô bị đánh thức sau nửa đêm bởi tiếng bước chân, bỗng chốc hoảng hốt vì nhận ra nó không giống tiếng chân trần của trẻ nhỏ. Ngay sau đó, Donna nhìn thấy một bóng người đeo mặt nạ bước vào phòng. Khi cô hét lên, người đàn ông nhảy lên người cô và đưa tay bịt miệng. Hắn bẻ cánh tay cô ra sau lưng và nói với chất giọng như bị bóp tiếng: “Nếu không hợp tác, cô sẽ bị thương”.

Người đàn ông ấn mặt Donna xuống giường, trói cổ tay và bịt mắt bằng dây nylon, trùm đầu cô bằng một chiếc áo gối. Khi Donna không thể chống cự, hắn cắt quần áo của cô…

Sau cưỡng bức, hắn cảnh cáo sẽ quay lại và giết cô nếu báo cảnh sát.

Đợi đến khi chắc chắn kẻ hiếp dâm đã rời đi, Donna cố giãy lỏng dây trói và chạy đến phòng các con, thấy chúng vẫn đang ngủ. Bất chấp lời cảnh cáo, cô biết mình cần phải gọi cảnh sát, nhưng tất cả đường dây điện thoại trong nhà đã bị cắt. Quá sợ hãi, Donna đưa ra một quyết định khó khăn là khóa cửa, để lại những đứa con đang ngủ và chạy sang nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ.

Hàng xóm của cô, Cliff, gọi 911. Donna hoảng loạn nói với điều phối viên: “Các con tôi vẫn ổn nhưng chúng ở trong nhà một mình. Làm ơn, tôi không muốn để chúng một mình, tôi phải làm gì?”.

Cliff chộp lấy chiếc rìu và chạy đến nhà Donna để canh giữ cho đến khi cảnh sát đến. Lúc này, Donna bắt đầu gọi điện cho các thành viên trong gia đình, nhờ đưa bọn trẻ đến nhà bà ở gần đó. Cô kiên quyết không cho ai thông báo với John vì không muốn chồng lo lắng.

Donna được đưa đến bệnh viện để kiểm tra giác mạc mắt phải bị trầy xước, cổ tay bị rách và thu thập ADN của kẻ tấn công.

Ngay khi trở về nhà vào ngày hôm sau, John nghi ngờ chuyện gì đó đã xảy ra vì nhìn thấy một chốt cửa mới trên cửa trước. Nghe Donna kể lại mọi việc, John tức giận và đau lòng vì không có mặt ở nhà khi ấy.

Ngôi nhà của gia đình Palomba ở Waterbury, Connecticut. Ảnh: NBC

Ngôi nhà của gia đình Palomba ở Waterbury, Connecticut. Ảnh: NBC

Khoảng một tháng sau vụ việc, vào 15/10/1993, Donna đến đồn cảnh sát theo lời hẹn. Cô bị sốc khi điều tra viên chính của vụ án đối xử với cô giống như một nghi phạm hơn là nạn nhân. Cô bị đưa vào một phòng thẩm vấn nhỏ có bàn làm việc, trên bàn có một máy ghi âm. Điều tra viên lấy ra một mảnh giấy, bắt đầu đọc cho cô nghe về quyền im lặng.

Donna chết điếng rồi bật khóc khi điều tra viên nói rằng họ có “bằng chứng chắc chắn” rằng cô đã nói dối cảnh sát và đe dọa bắt giữ cô.

“Bằng chứng chắc chắn” đó hóa ra chỉ là tin đồn trong thị trấn từ một người cung cấp thông tin rằng Donna ngoại tình và bịa ra chuyện hiếp dâm vì bị một trong hai con bắt gặp ở cùng người tình vào đêm đó. Donna kiên quyết phủ nhận và nói tin đồn hoàn toàn sai sự thật.

Cảnh sát không có bằng chứng nào chứng minh cáo buộc này, họ thậm chí còn tìm thấy các con của Donna đang ngủ say trong nhà khi đến hiện trường.

Giận dữ vì bị xúc phạm, vợ chồng Donna kiện Sở cảnh sát Waterbury và giành chiến thắng sau cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm. Ngày 31/1/2001, Donna được chính quyền bồi thường 190.000 USD. Nhưng nhà chức trách vẫn chưa thể bắt được kẻ hiếp dâm.

Vụ án của Donna được chuyển giao cho Neil O’Leary, thám tử của Sở cảnh sát Waterbury, sau này trở thành cảnh sát trưởng. Anh tin rằng Donna nói sự thật và muốn tìm ra kẻ tấn công.

John và Donna từ lâu đã nghi ngờ kẻ hiếp dâm có thể là người mà họ biết, vì kẻ này dường như biết chính xác ngày John rời khỏi thị trấn. Neil đồng ý với nhận định này vì hiện trường không có dấu hiệu đột nhập, có lẽ kẻ tấn công đã có được chìa khóa bằng cách nào đó.

Vào đêm xảy ra vụ việc, bạn bè John tổ chức tiệc độc thân tại nhà hàng Waterbury, nhiều người trong số 50 khách tham dự có thể đã biết John đi vắng từ những cuộc chuyện phiếm.

Neil thu thập được một phần danh sách khách mời và khoảng 40 mẫu ADN từ những người tham dự đêm đó, nhưng không có mẫu nào trùng khớp với kẻ tấn công.

Vụ án bế tắc cho đến hè 2004, Neil tình cờ nhận được báo cáo về một vụ tấn công tình dục vừa xảy ra ở Waterbury, thủ phạm là một người đàn ông tên John Regan. Regan bị buộc tội tấn công đồng nghiệp 21 tuổi, cô gái may mắn chạy thoát.

Neil nhớ lại bữa tiệc độc thân vào đêm Donna bị tấn công và nhận ra chú rể là anh họ của Regan. Vị thám tử nghĩ có thể Regan có mặt tại bữa tiệc tối hôm đó, dù không có tên trong danh sách khách mời anh nhận được.

Sau khi gọi điện để kiểm tra, Neil xác định Regan đã có mặt tại bữa tiệc. Anh ta đồng ý cung cấp mẫu ADN cho cảnh sát, cho kết quả trùng khớp với ADN của nghi phạm.

Thông tin này là một cú sốc mạnh đối với John, chồng Donna. Anh lớn lên cùng Regan, hiểu rõ nhau và coi đối phương là một trong những người bạn thân nhất. Vợ chồng John từng mời Regan, vợ và các con anh ta đến ăn tối sau khi Regan giúp John lợp lại mái nhà. Vài năm sau vụ cưỡng hiếp, gia đình John còn đi chơi biển cùng Regan và những người khác.

“Thật không thể tin được rằng người mà chúng tôi quen biết lại có thể làm một việc như vậy”, Donna nói.

Tháng 10/2004, Regan bị buộc tội bắt cóc trong vụ án của Donna vì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội hiếp dâm đã hết. Anh ta không nhận tội bắt cóc và được tại ngoại.

Khoảng một năm sau, vào 17h30 ngày 31/10/2005, đêm Halloween, Regan bị bắt tại New York vì cố bắt cóc vận động viên chạy việt dã Lindsey Ferguson từ bãi đậu xe trường trung học. May mắn thay, huấn luyện viên của nữ sinh đã nghe thấy tiếng kêu cứu từ bên kia bãi đậu xe và can thiệp, gọi 911 khi Regan lái xe đi. Một huấn luyện viên khác bám theo xe của Regan cho đến khi cảnh sát đến bắt hắn.

Các điều tra viên tìm thấy trong xe của Regan hai sợi dây, một tấm bạt, một ống tiêm và một loại thuốc được cho là gây buồn ngủ.

John Regan bị áp giải đến tòa nghe tuyên án, năm 2006. Ảnh: Times Union

John Regan bị áp giải đến tòa nghe tuyên án, năm 2006. Ảnh: Times Union

Tháng 5/2006, Regan nhận tội âm mưu bắt cóc và giam cầm trái phép, bị kết án 12 năm tù.

Cuối năm đó, Regan hầu tòa với các cáo buộc ở Waterbury. Anh ta không nhận tội, nhưng thừa nhận rằng các công tố viên có đủ bằng chứng để kết tội anh ta với ba tội danh, bao gồm bắt cóc Donna và khống chế, theo dõi nữ đồng nghiệp. Regan bị kết án 15 năm tù vì tội ác ở Connecticut, thi hành án đồng thời với bản án ở New York.

Tháng 8/2017, Donna phát hiện Regan đã ngồi tù gần 12 năm ở New York và đủ điều kiện để được giảm án theo luật định, có nghĩa là anh ta có thể được trả tự do sau vài tháng nữa mà không phải ngồi tù một ngày nào ở Connecticut vì tấn công cô.

Donna làm việc với chính quyền ở New York để áp dụng luật quản lý dân sự cho tội phạm tình dục. Cô ra tòa một lần nữa vào năm 2021, yêu cầu xác định xem liệu Regan có phù hợp để hòa nhập xã hội hay liệu anh ta có khả năng tái phạm hay không.

Cuối cùng, bồi thẩm đoàn xác định Regan có khả năng tái phạm vì tâm lý bất thường. Do đó, anh ta phải sống trong một cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc nhà ở được phê duyệt với sự giám sát chặt chẽ cho đến khi có lệnh khác của thẩm phán.

Hiện, Donna điều hành tổ chức phi lợi nhuận Jane Doe No More, nhằm trao sức mạnh và mang lại hy vọng cho những nạn nhân sống sót sau tội phạm tình dục.

Tuệ Anh (Theo Oxygen)