Ngày 11/10, People’s Court Daily đăng thông cáo của Tòa án trung cấp thành phố Mẫu Đơn Giang về vụ án tham nhũng của Lý Truyền Lương, cựu phó thị trưởng thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang.
Thông cáo cho hay số tiền liên quan vụ án Lý Truyền Lương vượt 3,1 tỷ nhân dân tệ (hơn 435 triệu USD). Nghi phạm đã sử dụng số tiền thu được bất hợp pháp để đầu tư vào các công ty và dự án do cá nhân ông ta kiểm soát nhằm mục đích tham gia quy hoạch, phá dỡ đất công, phát triển bất động sản, xây dựng công trình… cũng như mua bất động sản, ôtô, đất đai, thiết bị…
Sau vụ việc, chính quyền đã tịch thu, đóng băng tài khoản tổng cộng hơn 1,4 tỷ NDT; niêm phong 1.021 bất động sản, 27 thửa đất, 8 mảnh đất rừng; tịch thu 38 ôtô, 10 máy móc thiết bị và đóng băng quyền sở hữu cổ phiếu của ông Lương tại 18 công ty.
VKS thành phố Mẫu Đơn Giang cho hay có bằng chứng chứng minh những tài sản bị tịch thu, niêm phong nói trên đều là tài sản chiếm đoạt trái pháp luật của nghi phạm và cần được thu hồi theo quy định.
Theo hồ sơ lý lịch, Lý Truyền Lương sinh năm 1963 ở Kê Tây, tốt nghiệp Học viện Quản lý Kinh tế của Đại học Thanh Hoa, có bằng thạc sĩ.
Ông Lương lần lượt giữ chức Giám đốc Sở Tài chính thành phố Kê Tây, Chủ nhiệm văn phòng ủy ban quản lý và giám sát vốn Nhà nước thành phố Kê Tây, Phó thị trưởng thành phố Kê Tây, Phó thị trưởng thành phố Hạc Cương.
Ngày 23/3/2010, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, Lý Truyền Lương nói: “Chỉ khi hòa cùng quần chúng, mới có được sự ủng hộ của người dân Kê Tây, mới có thể xây nên bức tường đồng ngăn chặn tham nhũng. Không có người dân Kê Tây, tôi chẳng là gì cả”.
Khi sắp kết thúc nhiệm kỳ Giám đốc Sở Tài chính thành phố Kê Tây, Lý Truyền Lương đã công khai tố cáo Bí thư Thành ủy Kê Tây lúc đó là Hứa Triệu Quân (đã bị kết án) vì bất mãn với hành vi hoàn trả phí công tác của người nhà trái quy định.
Một nguồn tin tiết lộ với giới truyền thông rằng vì lý do này, Hứa Triệu Quân từng muốn cách ly để điều tra ông Lương, nhưng cuối cùng cả hai đã bắt tay hòa giải. Không lâu sau, ông Lương được thăng chức phó thị trưởng.
Số tài sản ‘khủng’ nhờ tham ô, nhận hối lộ
Qua điều tra, Lý Truyền Lương bị tình nghi lợi dụng chức vụ để tham ô số tiền khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước, nhận hối lộ bằng tiền bạc và tình dục trong thời gian dài đương nhiệm. Các hành vi vi phạm pháp luật của ông Lương chủ yếu xảy ra trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Sở Tài chính và Phó Thị trưởng Kê Tây.
Trong đó, ông Lương đã lợi dụng chức vụ và cấu kết với các viên chức khác khi tại chức và cả sau khi từ chức để tham ô, gian lận tài sản công với tổng trị giá hơn 2,9 tỷ NDT. Ông Lương còn lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người khác, lợi dụng chức quyền và địa vị của mình để mưu lợi bất hợp pháp cho người khác thông qua các nhân viên nước ngoài, nhận tổng cộng 48,9 triệu NDT tiền phi pháp.
Bên cạnh đó, ông Lương lợi dụng chức vụ để biển thủ công quỹ tổng cộng 110 triệu NDT cho các hoạt động kiếm lời. Đồng thời, ông ta sử dụng trái phép vốn nhà nước để đăng ký công ty, tự ý quyết định cho công ty do ông ta kiểm soát đảm nhận các dự án, thu lợi tổng cộng 73,2 triệu NDT.
Tổng số tiền thu lợi bất chính của Lý Truyền Lương lên tới hơn 3,1 tỷ NDT. Số tiền này tương đương với 2/3 tổng thu ngân sách của thành phố Kê Tây trong năm 2017.
Theo “Báo cáo thống kê phát triển kinh tế và xã hội thành phố Kê Tây năm 2023” do Cục thống kê thành phố Kê Tây công bố vào tháng 5 năm nay, tổng dân số tại Kê Tây vào cuối 2023 là 1,6096 triệu người. Nếu 3,1 tỷ NDT liên quan đến vụ án của Lý Truyền Lương được chia đều cho mỗi hộ gia đình ở thành phố này, mỗi người sẽ nhận được gần 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng).
Ngoài số tiền khổng lồ, thông cáo của tòa án còn liệt kê chi tiết từng loại tài sản bị tịch thu. Trong số hơn 1.000 bất động sản liên quan đến vụ án có hơn 200 gara, nhiều căn hộ, cửa hàng và bãi đậu xe liền kề hoặc thuộc cùng một khu dân cư. Danh sách tài sản liên quan không thể công bố hết trên một trang báo.
Hầu hết tài sản bị tịch thu của ông Lương tập trung ở thành phố Kê Tây, nơi ông ta làm việc lâu năm, cùng với nhiều bất động sản ở Bắc Kinh và Tam Á, Hải Nam.
18 công ty ông Lương nắm quyền kiểm soát thuộc nhiều lĩnh vực như điện lực, đầu tư đô thị, chăn nuôi và phát triển bất động sản.
Chuyển tiền mặt khi bỏ trốn
Tháng 3/2017, ông Lương từ chức ở tuổi 54. Ngày 15/11/2018, hơn một năm sau khi từ chức, ông Lương bỏ trốn ra nước ngoài để tránh bị điều tra, mang theo một phần số tiền liên quan đến vụ án.
Ngày 10/7/2020, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Hắc Long Giang điều tra Lý Truyền Lương vì nghi ngờ tham ô, nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực. VKSND tỉnh Hắc Long Giang phê chuẩn lệnh bắt giữ vào ngày 20/9/2020.
Ngày 1/12/2020, Công an tỉnh Hắc Long Giang ban lệnh truy nã Lý Truyền Lương. Lúc này, ông ta đã bỏ trốn đến Mỹ.
TAND quận Đông An, thành phố Mẫu Đơn Giang công bố bản án hình sự vào tháng 12/2021, trong đó có tình tiết liên quan việc ông Lương chuyển tài sản phi pháp tới Hong Kong.
Theo phán quyết, Lý Truyền Lương, khi đó là Phó Thị trưởng thành phố Hạc Cương, cố gắng chuyển 5 triệu NDT thu lợi bất hợp pháp sang Hong Kong vào tháng 7/2014. Số tiền này ông Lương thu được từ giải ngân vốn đầu tư công thông qua các dự án giả.
Ông Lương chỉ đạo cấp dưới họ Lưu chuẩn bị tiền và vận chuyển đến Thâm Quyến, đồng thời hướng dẫn bị cáo họ Tôn nhận tiền tại Thâm Quyến và chuyển đến Hong Kong. Theo chỉ thị, Lưu xếp 4,15 triệu NDT tiền mặt ông Lương đưa cho anh ta cất giữ từ trước vào 5 valy kéo, sau đó sắp xếp cho 5 người đáp chuyến bay từ Kê Tây vào ngày 9/7/2014 để xách theo valy tiền đến Thâm Quyến. Đồng thời, bị cáo họ Đổng được sắp xếp đáp chuyến bay từ Bắc Kinh cùng ngày để chuyển 850.000 NDT tiền mặt được ông Lương giao cho cất giữ trước đó đến Thâm Quyến. Đổng khi đó là phó giám đốc Viện nghiên cứu tài chính của Sở Tài chính thành phố Kê Tây, dưới quyền ông Lương.
Khi gặp nhau ở Thâm Quyến, Đổng chuyển 5 triệu NDT tiền mặt vào valy khác và giao cho Tôn. Sau đó, Tôn yêu cầu cháu trai và những người khác dùng thông tin cá nhân đến ngân hàng để chuyển hơn 4,9 triệu NDT tiền mặt vào tài khoản ngân hàng do cửa hàng đổi tiền ở Hong Kong cung cấp cho ông Lương từ trước.
Sau khi chuyển tiền, Tôn mang số tiền mặt còn lại đến Hong Kong, đến cửa hàng để đổi hơn 4,9 triệu NDT thành 6 triệu HKD và giao tất cả cho ông Lương. Ông Lương lại đưa 500.000 HKD cho Tôn để gửi vào tài khoản ngân hàng ở Hong Kong dưới tên Tôn, sau đó ông ta lần lượt rút tiền.
Tại phiên tòa xét xử 2021, Tôn phạm tội bao che tội phạm, che giấu tài sản phi pháp, bị kết án 5 năm tù và phạt 80.000 NDT. Với cùng tội danh, Đổng bị kết án 3 năm 6 tháng tù và phạt 20.000 NDT.
Đối mặt án tử hình
VKS thành phố Mẫu Đơn Giang nhận định nghi phạm Lý Truyền Lương bị tình nghi tham ô, nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực, sau khi bỏ trốn đã bị truy nã nhưng chưa thể đưa ra xét xử.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã có tiền lệ về việc tịch thu tài sản bất hợp pháp và xét xử hình sự vắng mặt đối với những quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài. Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi năm 2012 bổ sung quy định tịch thu tài sản bất hợp pháp trong các trường hợp nghi phạm, bị cáo bỏ trốn hoặc chết. Khi sửa đổi năm 2018, Luật này bổ sung quy định xét xử vắng mặt trong các vụ án tham nhũng và hối lộ.
Năm 2014, Nhậm Nhuận Hậu – cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây – bị tịch thu tài sản phi pháp trị giá 12,95 triệu NDT và nộp vào kho bạc nhà nước theo quy định này, sau khi ông ta chết bệnh.
Tháng 12/2021, Trình Tam Xương, cựu bí thư Thành ủy Tháp Hà, tỉnh Hà Nam bị TAND Trung cấp thành phố Trịnh Châu xét xử vắng mặt trong vụ án tham nhũng. Ông Trình bị kết án 12 năm tù và bị thu hồi số tiền thu lợi bất hợp pháp. Đây là vụ án hình sự xét xử vắng mặt đầu tiên ở Trung Quốc.
Trong vụ án Lý Truyền Lương, Tòa án Trung cấp Mẫu Đơn Giang cho rằng có bằng chứng về hành vi tham ô, nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực tại thành phố Kê Tây. Vụ án được thụ lý vào ngày 29/9/2024. Sau khi thông cáo hết thời hạn 6 tháng, tòa sẽ xét xử vụ án.
Tuệ Anh (Theo Jiupai, Hongxing)