Những cuộc gọi lừa đảo từ nhà tù

Vì gia đình có một số thành viên gặp rắc rối với pháp luật trong nhiều năm qua nên Miller quyết định nhấc máy. Hóa ra bà mới là người gặp rắc rối. Nam cảnh sát nói bà đã không thực hiện nghĩa vụ bồi thẩm đoàn và có lệnh bắt giữ bà ngay lập tức.

Miller không tin vì vừa tham gia bồi thẩm đoàn ba tháng trước. Bà nói đây là một trò lừa đảo và yêu cầu được nói chuyện với người giám sát của anh ta.

Người đàn ông trên điện thoại bình tĩnh nói “Được thôi”, cho Miller số điện thoại của văn phòng cảnh sát trưởng và bảo bà hãy hỏi Phòng Dịch vụ Tòa án. Gọi vào số đó, Miller nghe thấy tiếng trả lời tự động là “Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt San Diego”, sau đó là một loạt lựa chọn. Bà nhấn phím 3 cho Phòng Dịch vụ Tòa án.

Người xưng danh đại úy Dwight Garrison nhấc máy, sau khi tạm dừng để kiểm tra, xác nhận rằng Miller đã bỏ lỡ một số thông báo về nghĩa vụ bồi thẩm đoàn và có hai lệnh bắt giữ đang được đưa ra. “Thật không may, vì hôm nay là thứ bảy, nếu bà không làm việc với tôi để trả khoản tiền phạt 989 USD, cảnh sát sẽ đến nhà và bắt giữ bà”.

Khi Miller khẳng định đã có sai sót nào đó, Garrison trả lời rằng có lẽ bà đúng, nhưng chỉ tòa án mới có thể ra kết luận. Tòa đóng cửa vào cuối tuần, trong khi đó, lệnh vẫn có hiệu lực. Theo Garrison, một cách để tránh bị bắt là trả tiền phạt và sau đó giải quyết mọi chuyện vào thứ hai, khi tòa án mở cửa trở lại. Nếu không, Miller có thể phải ngồi tù suốt cuối tuần. Miller vẫn còn hoài nghi, nhưng viễn cảnh bị bắt và phải ngồi tù một hoặc hai đêm thực sự khiến bà sợ hãi.

“Tôi rất lo lắng. Tôi chỉ có một mình, lúc ấy là giữa buổi chiều ngày thứ bảy. Tôi rất hoảng sợ”, Miller kể lại cảm giác khi đó.

Vì vậy bà quyết định làm theo chỉ dẫn của Garrison. Bà lái xe đến siêu thị Walmart, như được yêu cầu, chuyển 989 USD cho Garrison thông qua dịch vụ của công ty MoneyGram. Qua điện thoại, Garrison nói rằng sau khi truy cập để kiểm tra, chỉ một phần số tiền được chuyển đi, vì vậy bà cần xin một lệnh chuyển tiền khác để tránh bị bắt. Miller giận dữ cãi vã với Garrison, sau đó cúp máy và hồi hộp chờ đợi qua cuối tuần. Thứ hai, bà gọi cho Sở Cảnh sát hạt San Diego và một sĩ quan đã xác nhận nỗi lo sợ của bà.

“Đại úy Dwight Garrison” thực sự đang ở cách đó 3.500 km trong phòng giam tại Nhà tù Autry, một cơ sở an ninh mức trung bình ở thành phố Pelham, bang Georgia. Tên thật của anh ta là Joseph Tate, mới thi hành được hai năm trong bản án 40 năm tù vì tội phân phối cocaine. Bạn tù của anh ta, Jesse Lopez, là “viên cảnh sát” đầu tiên mà Miller nói chuyện cùng. Lopez đang thụ án 10 năm vì hai tội cướp tài sản.

Lopez và Tate lập thành bộ đôi ăn ý. Trong khoảng thời gian hai năm ở tù, họ đã kiếm được hơn 300.000 USD bằng cách giả mạo cảnh sát và gọi điện cho mọi người trên khắp đất nước, lừa đảo nghĩa vụ bồi thẩm đoàn. Đó là một trò lừa đảo phổ biến, tương đối đơn giản, chỉ cần một chiếc điện thoại và vài ứng dụng. Lopez và Tate có tất cả công cụ này.

Lopez đóng vai trò nghiên cứu, thức nhiều ngày liên tục, sử dụng ma túy đá được buôn lậu vào nhà tù, tìm kiếm các nạn nhân tiềm năng và thông tin về các tòa án địa phương và cảnh sát trưởng để sử dụng. Tate giỏi ăn nói, có sở trường thuyết phục mọi người gửi tiền cho mình. Anh ta từng lừa một thẩm phán đã nghỉ hưu trả hơn 900 USD để con gái không bị bỏ tù.

Chìa khóa thành công của âm mưu là những chiếc điện thoại di động được tuồn lậu vào nhà tù. Theo luật, tù nhân không được phép có điện thoại, nhưng ở đây chỉ là vấn đề kinh tế. Reginald Perkins, một trong những kẻ được tuyển dụng để tham gia vụ lừa đảo, khai với các đặc vụ FBI về việc buôn lậu điện thoại di động vào Autry dễ dàng như thế nào.

Chiến lược phổ biến nhất là hối lộ nhân viên an ninh. Một quản giáo ở Georgia kiếm được 15-20 USD/giờ. Perkins nói với FBI: “Tôi có thể trả cho họ 1.000 USD trong một ngày cho một chiếc điện thoại di động. Ai sẽ không nắm lấy cơ hội?”.

Những cách sáng tạo hơn để buôn lậu điện thoại di động bao gồm ném qua tường nhà tù hoặc vận chuyển bằng máy bay không người lái điều khiển từ xa. Một nhà tù khác ở Georgia còn xảy ra vụ gửi một chiếc sô pha cũ đến để các tù nhân học nghề bọc lại, hơn 100 chiếc điện thoại di động được tìm thấy giấu bên trong.

Điện thoại di động được lén đưa vào nhà tù theo nhiều cách. Ảnh: Georgia DOC

Điện thoại di động được lén đưa vào nhà tù theo nhiều cách. Ảnh: Georgia DOC

Với điện thoại trong tay và vô số thời gian rảnh rỗi, Lopez và Tate bắt tay vào việc. Họ chủ yếu nhắm vào người sống ở khu dân cư giàu có. “Kiếm tiền từ những người có tiền sẽ dễ dàng hơn”, Lopez sau đó khai nhận.

Internet và điện thoại thông minh giúp việc định vị mục tiêu trở nên dễ dàng. “Tôi vào trang dịch vụ bất động sản trực tuyến và nhập danh sách nhà giá từ 1 đến 3 triệu USD, rồi gọi điện cho những người ở khu vực xung quanh ngôi nhà triệu đô đó”.

Lopez thích gọi điện cho nạn nhân vào buổi chiều muộn với hy vọng không có ai ở nhà. Anh ta sẽ để lại tin nhắn, sử dụng dịch vụ VoIP (Truyền giọng nói qua giao thức Internet) để đánh lừa ID người gọi như cuộc gọi đến từ sở cảnh sát địa phương. Khi về đến nhà và thấy tin nhắn của cảnh sát, nạn nhân gọi lại và bị Lopez lừa.

Anh ta sử dụng ứng dụng chuyển hướng cuộc gọi đến một trung tâm cuộc gọi trực tuyến, nơi dịch vụ trả lời tự động cho phép anh ta ghi âm lại những câu như “Bạn đã kết nối với Sở cảnh sát Detroit. Để nộp báo cáo, nhấn phím 1; về việc dân sự, nhấn phím 2; về Phòng Dịch vụ Tòa án, nhấn phím 3”. Nếu nạn nhân nhấn phím 3, “Đại úy Dwight Garrison”, bạn tù của Lopez, sẽ trả lời.

“Sẽ đáng tin hơn nếu bạn gọi và nghe thấy giọng nói tự động ‘Đây là sở cảnh sát’ và cung cấp cho bạn thông tin tóm tắt giống bất kỳ sở cảnh sát nào trên toàn quốc”, Lopez nói.

Lopez còn tải ứng dụng thông báo tình hình an ninh trật tự Police Scanner, phát ngẫu nhiên các cuộc gọi của cảnh sát địa phương làm nền cho những cuộc trò chuyện lừa đảo qua điện thoại.

Tate và Lopez phân công nhập vai. Lopez sẽ giả vờ là một cảnh sát chỉ biết rằng lệnh bắt đã được ban hành, bảo nạn nhân gọi cho Tate để biết thêm thông tin. Khi họ gọi lại, họ sẽ gặp Tate/Garrison, đang ngồi ngay cạnh Lopez trong phòng giam. Tate sẽ trả lời bằng giọng nghiêm túc hơn, tự xưng “Phòng Dịch vụ Tòa án”, sau đó dẫn dắt nạn nhân trả “tiền phạt” hoặc “tiền thế chân” bằng khả năng thuyết phục đáng kinh ngạc.

Phần tiếp theo của âm mưu là rửa tiền. Đó là việc của Perkins,”thợ giặt”, thuật ngữ trong tù để chỉ một kẻ rửa tiền. Anh ta nhận được công việc nhờ khả năng kết bạn với phụ nữ ở bên ngoài, bằng cách sử dụng điện thoại lậu để truy cập các trang mạng xã hội. Perkins khoe có khoảng 100 phụ nữ làm việc cho mình trên khắp 50 tiểu bang, giúp anh ta rửa thẻ ghi nợ trả trước – thường là thẻ do Green Dot và MoneyGram phát hành.

Perkins sẽ nhận được một thẻ Green Dot 500 USD từ một đồng nghiệp, sau đó gọi cho một trong những “cô gái”, người này sẽ lấy số thẻ và chuyển nó thành hai hoặc ba thẻ ghi nợ mới. Tiếp theo, cô sẽ gọi lại cho anh ta báo các số thẻ, sau khi nhận được khoản chiết khấu 100 USD cho mình. Perkins nói với FBI rằng anh ta có thể đã rửa tới 1 triệu USD khi còn ở Autry, bao gồm số tiền do Lopez và Tate mang về.

Việc rửa khoản thanh toán ban đầu bằng cách chuyển nó sang các thẻ khác nhau giúp các tù nhân thoát khỏi dính dáng đến tội ác, đồng thời loại bỏ khả năng nạn nhân hủy khoản thanh toán. Sau khi nạp số tiền bất hợp pháp vào thẻ ghi nợ, kẻ lừa đảo có thể sử dụng tại cửa hàng của nhà tù, đổi lấy ma túy, hàng lậu hoặc chuyển cho bạn bè hoặc gia đình ở bên ngoài.

Sau khi được cảnh sát xác minh không có bất kỳ lệnh bắt nào, Miller nộp đơn khiếu nại hình sự và thông báo cho ngân hàng về việc bị lừa. Không giống như hầu hết nạn nhân, bà được ngân hàng hoàn lại tiền sau vài cuộc tranh luận.

Khoảng hai năm sau, Miller được các đặc vụ FBI liên lạc, hỏi liệu bà có thể bay đến Atlanta để làm chứng chống lại hai kẻ lừa đảo hay không. Bà vui vẻ hợp tác.

Hóa ra FBI đã điều tra các hoạt động tại Autry và các nhà tù khác ở Georgia trong suốt thời gian đó. Họ chuyển một tù nhân đến nhà tù để làm người cung cấp thông tin. Người này nói với các tù nhân ở Autry rằng anh ta có đầu mối liên lạc bên ngoài có thể rửa tiền, đầu mối này thực chất là đặc vụ FBI chỉ huy vụ án. Trong vài tháng, người cung cấp thông tin đã cung cấp thẻ ghi nợ và hàng nghìn USD tiền mặt cho các tù nhân để lập hồ sơ chống lại họ. Anh ta còn bí mật ghi lại cảnh Lopez và Tate thực hành thủ đoạn lừa đảo. FBI cũng chặn các cuộc điện thoại từ nhà tù và nghe lén các cuộc gọi đến của tù nhân.

Từ năm 2014 đến 2015, cuộc truy quét các cơ sở nhà tù ở Georgia đã dẫn đến việc thu giữ 23.000 chiếc điện thoại di động lậu.

Điện thoại di động được Phòng Cải huấn bang Georgia  tịch thu từ tù nhân. Ảnh: Georgia DOC

Điện thoại di động được Phòng Cải huấn bang Georgia tịch thu từ tù nhân. Ảnh: Georgia DOC

Tháng 1/2016, viện công tố liên bang ở Georgia đệ trình cáo buộc hình sự đối với 51 người: Tate, Lopez, 17 tù nhân khác, 15 quản giáo và 17 dân thường. Tất cả đều bị cáo buộc tham gia vào âm mưu hối lộ quản giáo, buôn lậu điện thoại di động vào nhà tù, lừa đảo và rửa tiền.

Trong hai năm tiếp theo, hầu hết trong số 51 người đã nhận tội, bao gồm Lopez và Tate. Perkins, kẻ rửa tiền, nhận tội vào tháng 8/2016 và bị kết án thêm gần 13 năm tù.

Sau khi nhận tội vào tháng 12/2017 và ra làm chứng chống lại hai đồng phạm, Lopez bị kết án ba năm quản chế vào tháng 2/2020.

Khi tuyên án, Thẩm phán Steve C. Jones nói: “Khi kết án, tôi thường nói ‘Bị cáo là mối nguy hiểm cho xã hội, vì vậy tôi tuyên phạt tù bị cáo’. Nhưng trong vụ án này, một người đang ở trong tù vẫn là mối nguy hiểm cho xã hội. Số tiền bị lấy đi – hơn 1 triệu USD – thật đáng kinh ngạc. Bị cáo đang ở trong tù mà vẫn có thể lấy nhiều tiền như vậy”.

Miller chia sẻ lời khuyên: “Nếu ai đó gọi điện và nói bạn nợ tiền vì bỏ qua nghĩa vụ bồi thẩm đoàn, hãy dập máy”.

Sau vụ việc, một số trường hợp tương tự tiếp tục được báo cáo ở Georgia. Và Georgia không phải là tiểu bang duy nhất của Mỹ gặp phải những vụ lừa đảo kiểu này. Theo báo cáo của Sacramento Bee, vào năm 2020, các tù nhân ở California đã nhận được tới 2 tỷ USD tiền gian lận trợ cấp thất nghiệp gắn với chương trình Hỗ trợ Thất nghiệp do Đại dịch. Họ cũng sử dụng điện thoại di động lậu để liên lạc với nhau và với những người giúp đỡ bên ngoài.

Tuệ Anh (Theo AARP)