Lòng đố kỵ của chị dâu với cả nhà em chồng

Tháng 8/2008, ông Lưu Gia Vinh sống ở huyện Phúc Thuận, tỉnh Tứ Xuyên, đang làm việc ngoài đồng bỗng cảm thấy chân tay tê cứng, mất sức rồi khuỵu ngã. Tại bệnh viện, ông được chẩn đoán bị xuất huyết não và phải nhập viện.

Lưu Cường, 45 tuổi, con trai thứ hai của ông Vinh đang làm việc ở Thành Đô, vội vã trở về quê cùng vợ con sau khi nghe tin bố nhập viện. Được đưa đến bệnh viện kịp thời nên sau một thời gian điều trị, ông Vinh đã hồi phục.

Lo bố tuổi cao sức yếu, Cường nói với anh cả Lưu Khôn rằng muốn đưa bố đến Thành Đô cùng mình. Bản thân ông Vinh cũng thích sống với con thứ hơn.

Sau khi bàn bạc, hai anh em thống nhất rằng Cường sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc bố, Khôn đưa tiền cấp dưỡng khoảng 200 nhân dân tệ mỗi tháng. Cả gia đình đều hài lòng với quyết định này, chỉ có vợ của Khôn là Trương Phượng (50 tuổi) có vẻ bất mãn.

Trưa 23/8, Phượng nấu một bữa thịnh soạn cho cả nhà để tiễn gia đình Cường về lại thành phố. Nhưng không lâu sau bữa ăn, con trai 2 tuổi tên Lưu Hồng của Cường đột nhiên quấy khóc, nôn mửa và tiêu chảy. Thấy vậy, Cường cùng vợ là Mã Phương vội đưa con đến trạm y tế thôn.

Bác sĩ cho rằng Hồng chỉ bị đau bụng, không nghiêm trọng nên kê đơn thuốc trị rối loạn tiêu hóa trong hai ngày. Sau khi uống thuốc, đêm đó, các triệu chứng của cậu bé đã thuyên giảm. Để con đỡ mệt, Cường quyết định đưa bố trở lại Thành Đô trước, vợ con sẽ đi sau 1-2 ngày.

Sáng sớm hôm sau, Phương ra bến xe tiễn chồng và bố chồng, về đến nhà thì đã 11-12h. Lúc đó, Phượng đang nấu cơm trong bếp, trên bàn có bát thuốc đã để nguội cho Hồng.

Phương cầm bát thuốc cho con uống rồi vào bếp phụ giúp. Nhưng ngay sau đó, cô nghe thấy con hét lên. Hồng ngã trên sàn, toàn thân co giật, trợn mắt và nôn mửa. Phương bế con chạy đến trạm y tế, tuy nhiên, Hồng không qua khỏi. Nguyên nhân cái chết được bác sĩ đưa ra là do bệnh lỵ trực khuẩn.

Cái chết của con nhỏ khiến vợ chồng Cường suy sụp. Họ đã phải trải qua nỗi đau mất con bốn lần trong 12 năm, lần lượt mất bốn đứa con trai.

Từ năm 1993, sau khi mẹ Cường qua đời vì bệnh, những điều kỳ lạ liên tục xảy ra trong gia đình họ Lưu. Ban đầu, hàng chục con lợn lăn ra chết không rõ nguyên nhân, đều bị co giật dữ dội, sùi bọt mép, chảy máu mũi.

Chẳng bao lâu sau, đàn gà cũng có triệu chứng tương tự. Cường lên thị trấn mua một số loại thuốc thú y nhưng không có tác dụng. Chỉ trong một tháng, đàn lợn, gà nhà nuôi không còn sót lại bao nhiêu.

Lo ngại gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm, Cường báo cáo tình hình với Cục Chăn nuôi địa phương. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, nhà chức trách không phát hiện bệnh gì.

Năm 1996, gia đình Cường cũng bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh lạ. Con trai đầu lòng Lưu Ba bị đau bụng, buồn nôn, dần hôn mê rồi qua đời. Do trình độ y tế còn hạn chế, bác sĩ ở thôn không thể nêu rõ nguyên nhân tử vong.

Năm 2003-2004, vợ chồng Cường lần lượt mất đi con trai thứ hai và thứ ba, tình trạng trước khi chết giống hệt Lưu Ba, nguyên nhân tử vong không được làm rõ.

Trong khoảng thời gian này, Cường nghi ngờ chất lượng đất và nước ở nhà có vấn đề, nhưng kiểm tra cho thấy mọi thứ vẫn bình thường. Sau đó, anh bắt đầu “nghi thần nghi quỷ”, cho rằng nhà mình gặp vận hạn hoặc phong thủy có vấn đề nên đã nhờ cậy không ít thầy bói, thầy phong thủy.

Để vượt qua nỗi đau mất đi ba đứa con liên tiếp, vợ chồng Cường rời quê đến Thành Đô làm việc. Năm 2006, sự ra đời của Hồng mang lại niềm an ủi lớn cho cặp đôi. Nhưng không ngờ Hồng mới hai tuổi cũng không thoát khỏi số phận.

Cái chết đột ngột của Hồng khiến cả thôn bàn tán xôn xao, bảo nhà họ Lưu là “nhà ma”, ai sống trong đó sẽ gặp xui xẻo. Đài truyền hình địa phương cũng đến đưa tin về “ngôi nhà cổ bí ẩn” này. Có chuyên gia y tế xem bản tin, nghi ngờ nguyên nhân cái chết là do trúng độc nên đã liên hệ với cảnh sát địa phương.

Tháng 2/2009, được sự đồng ý của vợ chồng Cường, cảnh sát khám nghiệm tử thi Hồng, phát hiện thành phần thuốc diệt chuột trong cơ thể cậu bé.

Cuộc điều tra nhanh chóng dẫn đến nghi phạm là vợ chồng Khôn – Phượng. Ngoại trừ hai người này, những thành viên khác trong nhà họ Lưu đều có triệu chứng trúng độc, bao gồm cả vợ chồng Cường. Hơn nữa, vào ngày phát bệnh, Hồng chỉ tiếp xúc với vợ chồng Phượng, đồ ăn thức uống đều do họ chuẩn bị.

Một số dân làng cho biết, sau khi cảnh sát lập hồ sơ vụ án, Khôn vội chạy từ Quảng Đông về quê, vứt một túi đồ giữa đêm. Anh ta chỉ ở nhà một ngày rồi lại đi, còn nhờ người nghe ngóng tiến độ điều tra của cảnh sát.

Tháng 4/2009, Khôn và Phượng bị bắt tại một nhà máy ở Quảng Đông. Sự thật về bốn vụ án mạng cũng được làm rõ.





Ông Lưu Gia Vinh đau lòng vì bi kịch xảy ra giữa hai con trai.

Ông Lưu Gia Vinh đau đớn vì bi kịch xảy ra giữa hai con trai. Ảnh: Guangzhou Daily

Theo lời khai, Phượng là hung thủ trực tiếp ra tay đầu độc bốn cháu trai của chồng bằng thuốc diệt chuột, nguyên nhân bắt nguồn từ sự đố kỵ.

Nhiều năm trước, ông Vinh yêu cầu hai con trai sống cùng nhà để duy trì quan hệ thân thiết, dẫu họ đều có gia đình riêng. Mâu thuẫn giữa hai chị em dâu, Trương Phượng và Mã Phương, chủ yếu bắt nguồn từ cách đối xử không công bằng của bố chồng.

“Bố chồng tôi quá thiên vị gia đình con thứ, trong mắt ông ấy, cả nhà tôi còn chẳng bằng người ngoài”, Phượng kể. Về nguyên nhân, Phượng cho rằng do mình sinh con gái, còn nhà Cường có bốn con trai.

Khi hai gia đình chia đất sống riêng, Phượng cảm thấy bị thiệt thòi nên cãi vã kịch liệt với em dâu. Trong lúc nhất thời tức giận, Phương đáp trả những lời gay gắt như “chỉ biết đẻ con gái”, khiến Phượng thấy bị sỉ nhục.

“Họ cười nhạo tôi chỉ đẻ được con gái, không thể nối dõi tông đường. Tôi cũng muốn họ đoạn tử tuyệt tôn”, Phượng oán hận nói. Vì vậy, cô ta bắt đầu kế hoạch trả thù.

Đầu tiên, Phượng đầu độc gia súc, gia cầm nhà Cường, sau đó đến những đứa trẻ. Cứ như vậy, ba con trai của Cường lần lượt chết dưới tay bác dâu. Cô ta cho biết việc hại chết Hồng cũng là do sự thiên vị của bố chồng.

Theo Phượng, năm 2008, sau khi xuất viện, ông Vinh lén đếm tiền trong nhà, vội giấu đi ngay khi nhìn thấy cô bước vào. Sau khi hai anh em bàn bạc về tiền cấp dưỡng cho bố, Phượng chứng kiến bố chồng đưa cho Cường hơn 2.000 nhân dân tệ tiền mặt và một cuốn sổ tiết kiệm 4.000 nhân dân tệ.

“Ông ta rõ ràng có tiền nhưng vẫn muốn chúng tôi chu cấp hàng tháng”, Phượng nói về nguyên nhân bất mãn trong lòng.

Vào ngày ông Vinh cùng con thứ đến Thành Đô, con gái Phượng nói “Tạm biệt ông nội”, nhưng ông Vinh không đáp lại, chỉ thể hiện tình cảm với Hồng. Sự đối xử khác biệt đã khơi dậy cơn giận của Phượng, cô ta quyết định trừng phạt bố chồng bằng cách đầu độc Hồng.

Sau việc này, Khôn nhận thấy điều bất thường và nghi ngờ vợ, nhưng lựa chọn giúp che đậy tội ác. Sau khi cảnh sát can thiệp, anh ta mạo hiểm trở về quê, xử lý số thuốc chuột còn sót lại trong nhà.

Phượng bị kết án tù chung thân vì tội cố ý giết người, còn Khôn lĩnh 3 năm tù treo vì bao che, do tòa xem xét đến việc hai vợ chồng còn năm đứa con ở tuổi vị thành niên cần nuôi dưỡng.

“Tất cả đã quá muộn”, Khôn nói nếu phát hiện ý đồ tội ác của vợ sớm hơn để khuyên giải thì có lẽ đã không thành bi kịch khiến gia đình tan nát như vậy.

Tuệ Anh (Theo Guangzhou Daily)