Đời thăng trầm của ‘nữ hoàng đạo tặc’ Ấn Độ

Phoolan Devi sinh năm 1963 trong gia đình nghèo thuộc Mallah – một cộng đồng dân chài truyền thống đẳng cấp thấp ở Gorha Ka Purwa, bang Uttar Pradesh. Ngôi làng của bà bị thống trị bởi Thakur, cộng đồng giàu có và quyền lực gồm những địa chủ thuộc đẳng cấp cao.

Giữa cuộc tranh chấp đất đai của gia đình, Phoolan tổ chức biểu tình lần đầu tiên ở tuổi lên 10. Nghe mẹ nói rằng chú và con trai tên Maiyadeen hối lộ trưởng làng, làm giả hồ sơ đất đai để đuổi gia đình Phoolan ra khỏi đất của họ, bà xông vào cánh đồng của chú – vùng đất tranh chấp – và từ chối di chuyển. Maiyadeen, người anh họ ở độ tuổi 20, cầm gạch đánh Phoolan bất tỉnh.

Năm 11 tuổi, Phoolan bị bố gả cho người đàn ông hơn gấp ba tuổi. Tảo hôn với những cô gái thuộc đẳng cấp thấp không phải là hiếm ở Ấn Độ. Bố mẹ Phoolan nhận được 100 rupee, một con bò và một chiếc xe đạp.

Thường xuyên bị chồng đánh đập và lạm dụng, Phoolan quay về sống với gia đình nhưng bị cả làng xa lánh. Cô gái trẻ bị sỉ nhục và bạo lực tình dục dưới bàn tay của những người đàn ông Thakur. Bất chấp khó khăn, Phoolan vẫn tiếp tục chiến đấu để giành lại đất cho gia đình.

Nhờ sự kiên trì của Phoolan, hội đồng làng xem xét lại vụ tranh chấp đất đai và chuyển lên Tòa án cấp cao Allahabad. Tức giận, Maiyadeen phá hoại mùa màng, chặt cây của gia đình Phoolan. Phoolan ném đá vào đầu làm anh họ bị thương, sau đó bị cảnh sát bắt và bỏ tù. Ngay sau khi được thả, Phoolan bị một nhóm cướp bắt cóc khỏi làng, tháng 7/1979. Theo Phoolan, vụ bắt cóc do Maiyadeen lên kế hoạch.

Phoolan bị đưa đến thung lũng Chambal – một khu vực khét tiếng với rất nhiều băng nhóm, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật và tình trạng vô luật pháp.

Phoolan bị những kẻ bắt cóc đối xử tàn nhẫn cho đến khi Babu Gujjar, thủ lĩnh thuộc đẳng cấp cao Thakur của băng đảng, bị phó thủ lĩnh là Vikram Mallah bắn chết. Khi Baba Gujjar bị loại bỏ, Phoolan và Vikram nắm quyền kiểm soát. Họ tổ chức đột kích những ngôi nhà thuộc đẳng cấp cao, cướp tàu hỏa và bắt cóc đòi tiền chuộc. Cuộc tấn công kéo dài một năm kết thúc khi hai thành viên Thakur cũ của băng đảng bắn chết Vikram để tranh giành quyền lực.

Không còn sự bảo vệ của Vikram, Phoolan bị đưa đến làng Behmai, nhốt trong ba tuần. Bà bị một số người đàn ông Thakur cưỡng hiếp và lạm dụng trước khi trốn thoát. Lúc này, Pholaan đang bị truy nã về 48 tội danh nghiêm trọng.

Hơn 17 tháng sau khi trốn thoát khỏi Behmai, vào ngày 14/2/1981, Phoolan được cho là đã quay trở lại làng cùng băng đảng mới và bắn 22 người đàn ông Thakur để trả thù, chỉ hai người sống sót. Có nhiều phiên bản về những gì xảy ra ở Behmai. Một số nhân chứng cho rằng Phoolan đã hành quyết những người đàn ông một cách máu lạnh. Hai người sống sót nói rằng bà không có mặt ở đó. Bản thân Phoolan phủ nhận liên quan đến vụ giết người.

Sau vụ thảm sát Behmai, cảnh sát phát động cuộc truy lùng quy mô lớn để bắt Phoolan và băng nhóm. Trong khi nhiều thành viên lần lượt bị bắn hạ, Phoolan tiếp tục trốn tránh bắt giữ suốt hơn hai năm. Những câu chuyện về Phoolan được lan truyền khắp nơi, các tầng lớp thấp hơn và người nghèo trong vùng ủng hộ bà vì đã chống lại sự lạm dụng từ những người đàn ông thuộc đẳng cấp cao hơn.

Vụ giết người khiến Thủ hiến bang Uttar Pradesh phải từ chức. Phoolan bị buộc tội với 48 tội danh, bao gồm bắt cóc, cướp của và giết người.

Sau nhiều năm trốn chạy, khi sức khỏe sa sút và vòng vây ngày càng khép chặt, Phoolan quyết định thương lượng để đầu hàng chính quyền. Theo thỏa thuận, Phoolan sẽ phải ngồi tù không quá 8 năm, bà chỉ chấp nhận đầu hàng cảnh sát bang Madhya Pradesh vì không tin tưởng cảnh sát Uttar Pradesh, và chỉ đồng ý hạ vũ khí trước bức chân dung của cố lãnh tụ Mahatma Gandhi và nữ thần Durga của Hindu giáo. Phoolan còn đặt điều kiện rằng không ai trong băng nhóm phải nhận án tử hình và gia đình được cấp đất, việc làm.

Ngày 12/2/1983, Phoolan mặc trang phục kaki của cảnh sát, đeo khăn rằn màu đỏ, mang theo súng trường, xuất hiện trước đám đông 8.000 người và 300 cảnh sát. Bà cúi đầu trước chân dung Durga và Mahatma Gandhi, sau đó đầu hàng Thủ hiến bang Madhya Pradesh.

Phoolan Devi đầu hàng trước Thủ hiến bang Madhya Pradesh, năm 1983. Ảnh: Indianexpress

Phoolan Devi đầu hàng trước Thủ hiến bang Madhya Pradesh, năm 1983. Ảnh: Indianexpress

Bất chấp thỏa thuận đã đạt được, Phoolan bị bỏ tù 11 năm. Trong thời gian ngồi tù, Phoolan mắc bệnh lao, u nang buồng trứng, bị cắt bỏ tử cung mà không có sự đồng ý khi điều trị ở bệnh viện.

Năm 1994, Phoolan được thả tự do mà không phải hầu tòa, các cáo buộc chống lại bà được hủy bỏ.

Một năm sau khi ra tù, Phoolan tham gia Đảng Samajwadi, một đảng chính trị xã hội chủ nghĩa đại diện cho các đẳng cấp thấp hơn có trụ sở tại Uttar Pradesh. Sau vụ thảm sát Behmai, Phoolan trở thành “Nữ hoàng đạo tặc” của Ấn Độ, danh tiếng sẵn có giúp bà được bầu làm nghị sĩ của thành phố Mirzapur vào năm 1996, giành được một ghế trong cơ quan lập pháp của Ấn Độ, Lok Sabha (Hạ viện). Phoolan trở thành người có tiếng nói mạnh mẽ trong phong trào Tầng lớp Lạc hậu khác (OBC) đang nổi lên ở Uttar Pradesh.

Tuy nhiên, Phoolan phải đấu tranh chống lại các cáo buộc hình sự được phục hồi, và bị Tòa án Tối cao bác đơn kháng cáo yêu cầu hủy bỏ cáo buộc vào năm 1996. Bà mất ghế trong Hạ viện vào năm 1998 nhưng được bầu lại vào năm sau.

Tuy nhiên, ngày 25/7/2001, Phoolan bị bắn ba phát vào người và hai phát vào đầu bởi những tay súng đeo mặt nạ ngay trước cửa nhà ở New Delhi. Nhóm sát thủ bỏ trốn khỏi hiện trường bằng ôtô, sau đó chuyển sang xe máy ba bánh.

Phoolan qua đời ở tuổi 37 trước khi đến bệnh viện. Vụ ám sát xảy ra chỉ vài tháng trước khi các đảng phái chính trị Ấn Độ khởi động tranh cử vào quốc hội tại Uttar Pradesh. Cảnh sát Delhi kết luận vụ ám sát là một cuộc tấn công trả thù.

Tổng thống K.R. Narayanan lên án tội ác, nói rằng Hạ nghị sĩ Phoolan Devi là “biểu tượng cho cuộc đấu tranh của những người nghèo nhất trong số những người nghèo và cuộc đấu tranh vì nữ quyền”.

Phoolan Devi là Hạ nghị sĩ khi bị ám sát. Ảnh: Indianexpress

Phoolan Devi là Hạ nghị sĩ khi bị ám sát. Ảnh: Indianexpress

Ngày 27/7/2001, Sher Singh Rana, người đàn ông Thakur 38 tuổi, đầu hàng cảnh sát. Anh ta khai bắn bà Phoolan để trả thù cho vụ thảm sát Behmai. Rana tuyên bố với truyền thông rằng “rất tự hào về những gì làm được” và “đã nung nấu ý định rất lâu”.

Bất chấp lời kể của các nhân chứng rằng có hai tay súng và một tài xế bỏ trốn, chỉ mình Rana bị buộc tội.

Sau cuộc vượt ngục vào năm 2004, Rana trốn khỏi Ấn Độ để đến Afghanistan, bị bắt lại vào năm 2006 nhưng sau đó được tại ngoại. Tháng 8/2014, Rana bị kết án tù chung thân vì tội giết người. Hai năm sau, anh ta kháng cáo và được Tòa án cấp cao Delhi thả tự do với số tiền bảo lãnh 50.000 rupee.

Danh tiếng của Phoolan tiếp tục tăng lên khắp Ấn Độ sau khi bà qua đời. Quá trình chuyển đổi từ người ngoài vòng pháp luật sang nhà lập pháp của Phoolan thu hút sự chú ý lớn. Bà được người dân thuộc tầng lớp thấp tôn sùng, đại diện cho quyền lợi của họ trong quốc hội. Đối với dân nghèo ở Ấn Độ, Phoolan trở thành biểu tượng về sự thành công, chống lại nạn phân biệt đối xử, vươn lên từ đáy xã hội đến giới chính trị.

Tuy nhiên, hình tượng của Phoolan Devi trong mắt tầng lớp cao hơn là kẻ giết người máu lạnh, dễ nổi cơn thịnh nộ, không quan tâm đến luật pháp và trật tự. Bà còn bị đóng khung vào hình tượng một phụ nữ đầy thù hận.

Bộ phim Bandit Queen của đạo diễn Shekhar Kapur, ra mắt năm 1994, vốn được tuyên bố là “câu chuyện có thật” về cuộc đời của Phoolan Devi, nhưng chính bản thân bà bày tỏ phẫn nộ khi bị miêu tả “là một phụ nữ mau nước mắt, luôn sụt sùi và không bao giờ đưa ra quyết định sáng suốt trong đời”, đồng thời biến câu chuyện của Phoolan thành câu chuyện bị cưỡng hiếp nhiều lần và trả thù.

Phán quyết trong vụ án liên quan đến vụ thảm sát Behmai bị trì hoãn vào năm 2020 vì các tài liệu quan trọng bị thất lạc. Nhân chứng cuối cùng qua đời vào năm 2021. Vụ án được bắt đầu lại vào năm sau nhưng một nghi phạm khác qua đời vào 2023, chỉ còn lại hai người bị xét xử.

Cuộc đời Phoolan Devi truyền cảm hứng cho một số tác phẩm tiểu sử, tiểu thuyết, phim tài liệu như India’s Bandit Queen: The true story of Phoolan Devi, Outlaw: India’s Bandit Queen and me, The Bandit Queen of India: An Indian woman’s amazing journey from peasant to international legend. Bà ra mắt cuốn tự truyện I, Phoolan Devi vào năm 1996, được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ.

Tuệ Anh (Theo The Collector, Telegraph, BBC)