Chiến dịch “bẫy mật” ngọt ngào này được cảnh sát giăng, để tóm kẻ đã hiếp dâm hàng loạt phụ nữ.
Chuỗi tội ác của hắn bắt đầu vào rạng sáng 16/7/1977, một phụ nữ ở độ tuổi 20 bị tấn công tình dục khi đang đi bộ từ hộp đêm về nhà. Trong 18 tháng tiếp theo, thêm 6 phụ nữ từ 18 đến 33 tuổi bị hại ở khu vực xung quanh Clifton và Durdham Downs.
Qua mô tả của các nạn nhân, thám tử nhận thấy có những điểm tương đồng về ngoại hình kẻ tấn công, đặt biệt danh là “Kẻ hiếp dâm Clifton”. Hắn săn lùng phụ nữ đi bộ một mình, hành hung hoặc cưỡng hiếp tại lối vào khu nhà hoặc những con hẻm tối tăm.
Nỗi kinh hoàng về một kẻ tấn công tình dục nguy hiểm đang rình rập ngày càng lan rộng. Phụ nữ hoảng sợ đến mức phải mang theo thiết bị báo động cá nhân và đốt đuốc biểu tình khắp thành phố để thúc giục cảnh sát nhanh chóng truy bắt tội phạm.
Dưới áp lực lớn, cảnh sát lên kế hoạch “bẫy mật”, gọi là “Chiến dịch Argus” vào tháng 1/1979, định dùng mồi nhử để dụ bắt kẻ hiếp dâm hàng loạt.
Tổng cộng 12 nữ cảnh sát trẻ, một số trong đó chỉ là cảnh sát tập sự 18-19 tuổi, được cử ra đường tham gia chiến dịch dưới sự giám sát của các sĩ quan khác ẩn nấp trong bụi cây.
Các nữ cảnh sát không mặc áo giáp chống đâm, không có vũ khí, chỉ đeo radio ở cổ, dưới áo khoác, kèm theo một chiếc tai nghe. Họ chỉ được huấn luyện cách tự vệ cơ bản và được dặn rằng phải để tội phạm tấn công trước mới có thể bắt giữ.
Họ lần lượt đi theo tuyến đường cố định ba đêm một tuần, dọc theo con đường chính ở quận Clifton của thành phố Bristol. Nhưng sau 11 tuần, “Kẻ hiếp dâm Clifton” vẫn chưa có động tĩnh. Cấp trên quyết định triển khai thêm bốn nam cảnh sát giả gái để mở rộng phạm vi “giăng lưới”.
Nam sĩ quan Christopher Gould cho biết mất ít nhất hai giờ để trang điểm, đội tóc giả và đi giày cao gót, sau đó dạo bước trên những con phố tối tăm hơn với hy vọng “Kẻ hiếp dâm Clifton” sẽ ra tay. Christopher đã thực hiện 36 vụ bắt giữ trong trang phục giả gái, nhưng kẻ đang bị truy nã không nằm trong số đó.
Chi phí của chiến dịch này rất tốn kém, với khoảng 200 sĩ quan tham gia, bao gồm đội ngũ 10 sĩ quan giám sát, nhân viên dự phòng trên xe và đội hỗ trợ trong các phòng điều tra hàng đêm. Trong nỗ lực cuối cùng, họ quyết định tiến hành thêm một đêm nữa.
Michelle Leonard, 23 tuổi, mới vào ngành vài tháng, được thả xuống gần đường Whiteladies vào tối 22/3/1979. Michelle vốn không có nhiệm vụ tuần tra vào tối đó mà đã đổi ca với một đồng nghiệp phải dự tòa vào sáng hôm sau.
Cô mặc quần jeans, áo khoác vải thô và đi giày bệt, trông giống một sinh viên đang về nhà. Các cảnh sát ngầm khác cũng chỉ mặc thường phục đơn giản và kín đáo, rất cẩn thận để không bị coi là “gài bẫy”, dụ dỗ phạm tội khi ra trước tòa.
Vài phút sau khi Michelle xuống xe, một chiếc Ford Capri màu vàng rẽ vào góc cua. Nam tài xế nhìn thấy Michelle đi một mình liền quay ngoặt lại, xuống xe rồi bám theo.
Một sĩ quan giám sát kiểm tra đăng ký xe trong cơ sở dữ liệu, phát hiện tài xế là Ronald Evans, 38 tuổi. Hắn từng nhận án chung thân vì tội cưỡng hiếp và sát hại nhân viên cửa hàng tên Kathleen Heathcote, 21 tuổi, ở Nottingham vào năm 1963. Ronald được ân xá vào năm 1975 với điều kiện quản chế, sau khi thụ án 11 năm. Hắn chuyển đến Bristol sống với người vợ thứ hai.
Michelle nghe thấy viên cảnh sát nói qua radio: “Có một kẻ sát nhân đang theo đuôi cô”.
Nữ cảnh sát tân binh đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Cô biết tất cả các cuộc tấn công đều xảy ra trên những con phố tối tăm, và vì vậy phải quyết định xem nên đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu và đi tiếp trên đường Whiteladies, hay đi vào một con đường phụ nơi kẻ tấn công có nhiều khả năng lao tới hơn.
Cô từ bỏ đường Whiteladies, rẽ vào đường nhỏ.
“Tôi đã rất sợ hãi”, Michelle kể lại sau vụ việc. “Tôi nuốt nước bọt, tự nhủ ‘đi tiếp đi, đi tiếp đi’. Tôi có thể nghe thấy tiếng bước chân hắn. Tôi nghĩ ‘không sao đâu, hắn ở phía sau mình’, rồi bỗng không thể nghe thấy tiếng hắn nữa.
“Tất cả những gì tôi nghĩ trong đầu là phải đến dưới đèn đường để người khác có thể nhìn thấy. Dưới ánh đèn, tôi quay lại và thấy hắn ở ngay sau. Tôi nghĩ ‘chính là hắn, kẻ trong ảnh truy nã'”.
Người đàn ông vồ lấy Michelle, kẹp cổ và nói “đừng hét lên nếu không tôi sẽ giết cô” rồi bắt đầu kéo cô vào một khu vườn. Michelle đẩy hắn ra, cố hét lên qua radio. Ngay khi hắn chạm tay vào cô, các đồng nghiệp đồng loạt xông đến. Nhận ra đã mắc bẫy, hắn đấm vào mặt và đẩy Michelle xuống đất rồi bỏ chạy, nhưng nhanh chóng bị tóm. Cảnh sát bắt hắn vì tội hành hung.
Sau cuộc thẩm vấn, kẻ tấn công được xác định chính là Ronald Evans. Hắn thừa nhận gây ra 5 vụ tấn công, phủ nhận 2 vụ.
Ngay sau vụ việc, Michelle được đưa lên xe cảnh sát để khai báo tại đồn, trước khi về nhà uống một tách trà. Sáng hôm sau, cô thức dậy và thấy một bó hoa từ cảnh sát trưởng.
Michelle cũng nhận được rất nhiều thư cảm ơn từ phụ nữ ở Bristol, đáng quý nhất là bức thư của anh trai Kathleen gửi từ Australia.
Bà mẹ hai con trở lại làm việc bình thường sau ba ngày. Khoảng thời gian đó, cô thường gặp ác mộng, giật mình tỉnh giấc và nghĩ rằng Ronald đã vượt ngục. Hồi đó, không có chuyên gia tư vấn tâm lý nào để hỗ trợ những trường hợp như Michelle.
Trong khi đó, Ronald bị kết án 39 năm tù vào tháng 7/1979.
Gã tù nhân thụ án lâu nhất nước Anh
25 năm sau, vào 2004, đội điều tra các vụ án chưa được giải quyết phát hiện các mẫu lấy từ quần áo của nạn nhân vào những năm 1970 – được cất giữ trong kho hơn 20 năm – trùng khớp với mẫu của Ronald Evans, liên kết hắn với hai vụ tấn công mà hắn đã phủ nhận vào năm 1979.
Ronald, khi đó 63 tuổi, thừa nhận cưỡng hiếp một sinh viên 22 tuổi ở Bristol vào tháng 11/1977, và hành hung một sinh viên 21 tuổi vào tháng 12/1978. Trước đó, ông ta luôn từ chối nói về bất kỳ vụ cưỡng hiếp nào vì biết điều đó sẽ đồng nghĩa với một bản án dài hơn.
Thẩm phán nói với Ronald trước khi tuyên phạt thêm 10 năm tù: “Nhìn lại, việc bị cáo được thả vào năm 1975 là một bi kịch đối với các nạn nhân”. Thẩm phán nhận xét Ronald là chuyên gia trong việc thuyết phục mọi người nghĩ rằng hắn không còn là mối nguy hại nữa.
Cảnh sát phụ trách vụ án cho rằng Ronald rất sắc sảo, thông minh và luôn thích kiểm soát tình hình. Khi nói chuyện với cảnh sát ở trong tù, ông ta rất bình tĩnh và tự chủ.
Sau tổng cộng 52 năm ngồi tù, Ronald được ân xá vào tháng 1/2019. Nhưng ông ta bị đưa trở lại nhà tù vào tháng 11/2023 sau khi bị kết tội tấn công tình dục một phụ nữ ở Wembley, tháng 7/2022. Người đàn ông 82 tuổi được cho là tù nhân thụ án lâu nhất nước Anh.
Michelle nói: “Rõ ràng hắn có vấn đề với phụ nữ và không nên được phép ra ngoài nữa”.
Michelle từng được trao tặng Bằng khen của Nữ hoàng về Hành vi Dũng cảm vào năm 1981. Cô rời lực lượng vào năm 1989, nhưng trở lại sáu năm sau với vai trò cảnh sát điều tra của tổ trọng án, nghỉ hưu vào năm 2012.
Tuệ Anh (Theo ITV, Bristol Post, The Sun)