Âm mưu trả thù vì bị bạn cùng ký túc xá tẩy chay

Ngày 7/4/2024, Trương Hải Lam, 25 tuổi, nghiên cứu sinh tại Đại học Tương Đàm ở tỉnh Hồ Nam, lấy lon bột yến mạch để trên bàn bạn cùng phòng ký túc xá để ăn nhưng thấy có vị đắng.

Trưa hôm đó, Lam bị đau bụng dai dẳng, nôn mửa và tiêu chảy hơn 10 lần. Đến chiều, anh đến phòng khám, được chẩn đoán mắc viêm dạ dày ruột cấp tính, sau đó thấy đỡ hơn. Ngày 8/4, tình trạng của Lam trở nên tệ hơn, phải đi cấp cứu và nhập viện điều trị.

Ngày 9/4/2024, Lam được thông báo đang trong tình trạng nguy kịch do bị nhiễm trùng đa cơ quan, chức năng gan và thận bị tổn thương nghiêm trọng. Ngày hôm sau, Lam được chuyển đến khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện, được chẩn đoán bị suy đa tạng, phải đặt máy thở và lọc máu nhiều lần.

Khi hội chẩn, các bác sĩ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm nhưng bệnh viện không có khoa xét nghiệm chất độc nên đã thu thập hai ống máu và một túi nước tiểu giao cho cơ quan xét nghiệm. Tối 10/4/2024, kết quả kiểm tra không tìm thấy thuốc trừ sâu hay thuốc diệt chuột trong các mẫu.

Ngày 12/4/2024, gia đình Lam cầm nửa ống máu gốc còn lại đem đi xét nghiệm kim loại nặng, sau đó đưa kết quả cho bạn bè học y xem giúp, gọi đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, tìm mọi cách để tìm ra loại độc trong cơ thể Lam, nhưng vẫn không thể chạy đua với tử thần.

Chiều 13/4/2024, Lam qua đời, bệnh viện vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Gia đình cho biết bị ám ảnh khi Lam cầu cứu bố giữa lúc cơn đau giày vò: “Con mới 25 tuổi, con vẫn muốn sống”.

Nghi ngờ nguyên nhân cái chết của Lam, gia đình báo cảnh sát. Ngày 20/4/2024, cảnh sát thông báo bạn cùng phòng của Lam là Châu Lợi, 27 tuổi, bị bắt với cáo buộc cố ý giết người.

Vụ án được TAND trung cấp thành phố Tương Đàm xét xử vào sáng 9/1/2025.

Chất độc chết người trong lon yến mạch

Báo cáo khám nghiệm cho thấy colchicine được phát hiện trong gan, máu, dạ dày và các cơ quan khác của nạn nhân. Loại trừ nguyên nhân tử vong khác, Lam chết vì suy đa tạng do ngộ độc colchicine cấp tính.

Colchicine có thể điều trị bệnh gout, nhưng liều lượng cần được kiểm soát chặt chẽ. Viên colchicine điều trị bệnh gout chỉ chứa một lượng rất nhỏ colchicine và không nên uống quá 6 mg trong vòng 24 giờ. Loại hóa chất này bị Cục Quản lý Dược phẩm Trung Quốc đưa vào danh sách cấm bán trực tuyến từ ngày 1/12/2022.

Sau vụ việc, cảnh sát tìm thấy một chai nhỏ màu nâu tại nơi ở của Châu Lợi, đã bị xé nhãn. Họ tìm thấy nhiều viên thuốc trong túi thuốc anh ta mang theo bên người, đồng thời phát hiện lượng colchicum bất thường trong số bột yến mạch được Lam giữ lại.

Điều tra hồ sơ mua sắm trực tuyến của Lợi, cảnh sát phát hiện ba tháng trước vụ án, Lợi nói định làm thí nghiệm với trái kiwi và mua 1g colchicine trên mạng, chai đựng colchicine được dán nhãn “nồng độ 98%, không thể ăn”. Địa chỉ giao hàng là ký túc xá sinh viên Đại học Tương Đàm, tên người nhận là tên giả. Lợi cũng lên mạng tải về 96 tài liệu liên quan đến chất colchicine.

Mâu thuẫn trong ký túc xá

Lợi tốt nghiệp ngành kỹ thuật sinh học tại Đại học Nông nghiệp Giang Tây, sau khi làm việc được hai năm, anh ta lại thi tuyển sinh sau đại học và theo ngành triết học tại Đại học Tương Đàm. Năm 2023, Lợi chuyển đến ký túc xá của Đại học Tương Đàm, giường anh ta nằm đối diện với sinh viên tên Lâm Khê, Lam ở chéo phía đối diện.

Theo Lợi, khi mới chuyển đến phòng ký túc xá bốn người, anh ta và Lam là bạn bè tốt. Đến nửa cuối năm, mối quan hệ trong ký túc xá bắt đầu xấu đi vì những chuyện vặt vãnh. Đầu tháng 4/2024, Lợi được thông báo rằng ba bạn cùng phòng yêu cầu anh ta dọn ra khỏi ký túc xá.

Lịch sử tin nhắn giữa Lam và bạn thân cho thấy vào tháng 7/2023, ngay khi Lợi chuyển đến ký túc xá, Lam đã nhiều lần bày tỏ bực tức vì thường xuyên xích mích với Lợi. Theo lời kể của Lam, Lợi thích tra hỏi hoàn cảnh gia đình, quan sát bạn cùng phòng rồi đánh giá với ý dạy bảo và mỉa mai, cố ý tiếp xúc thân thể với Lam dù bị phản đối. Lam nói thấy ngột ngạt khi ở cùng phòng với Lợi.





Khu ký túc xá xảy ra vụ đầu độc. Ảnh: Jimu News

Khu ký túc xá xảy ra vụ đầu độc. Ảnh: Jimu News

Đầu tháng 3/2024, Lam và ba bạn cùng phòng đến gặp cố vấn nhà trường yêu cầu chuyển phòng cho Lợi. Ngày 27/3, họ một lần nữa yêu cầu chuyển phòng, đồng thời nộp đơn lên trường vào ngày 30/3 nêu rõ những xung đột trong ký túc xá. Đoạn ghi âm kèm theo đơn cho thấy Khê và Lợi cãi vã gay gắt trong khi Lam cố gắng can ngăn, đây là một trong khoảng 20 lần tranh cãi giữa họ. Trong đơn ghi Lợi không xả toilet, thường xuyên về lúc nửa đêm, gây ồn ào ảnh hưởng đến người khác nghỉ ngơi, nướng thịt ngoài ban công. Mâu thuẫn lớn nhất là Lợi không cho phép ai đóng cửa sổ khi anh ta ở trong ký túc xá.

Cơ quan công tố phát hiện trong một ghi chú, Lợi chửi mắng Lam và tuyên bố “gene kém cỏi phải bị loại bỏ”.

Lợi khai rằng bị bạn cùng phòng cô lập, tẩy chay. Về ghi chú này, trước tòa, Lợi khai rằng chỉ viết cho vui và không có ý định thực hiện, mâu thuẫn với bạn cùng phòng chỉ là “mâu thuẫn bình thường mà ai cũng có”, không vì nảy sinh oán giận mà cố ý giết người.

‘Đầu độc bạn để thử nghiệm thuốc’

Dù nhận tội đầu độc, Lợi tuyên bố trước tòa rằng động cơ sử dụng colchicine của anh ta không phải là cố ý giết người. Lợi cho biết khám sức khỏe thấy “axit uric cao”, dù chưa có triệu chứng bệnh gout nhưng muốn tự chế thuốc phòng ngừa, vì thế mới nghiên cứu tài liệu và mua colchicine. Về lý do phải tự chế thuốc thay vì đến bệnh viện mua, anh ta nói là “sở thích cá nhân”.

Sau khi nhận hàng, đầu tiên anh ta hòa tan một phần bột colchicine vào nước, tự nếm thử để “xác định hàng thật hay giả”. Nhãn sau đó đã được gỡ bỏ “để xem liều lượng bên trong còn lại bao nhiêu”.

Với mục đích thử nghiệm, Lợi chọn Lâm Khê là người ở gần nhất và có thể chất tốt, thích hợp để “quan sát phản ứng sau khi dùng thuốc”, sau đó sẽ phối thuốc điều trị bệnh gout cho bản thân.

Ngày gây án, Lợi đi cùng bố ra ngoài thuê nhà trọ, sau đó bắt taxi về trường. Nhân lúc ký túc xá không có ai khác, anh ta đã bỏ một lượng colchicine lớn bằng móng tay vào lon yến mạch đặt giữa bàn của Khê. Lợi nói không nhớ liều lượng cụ thể, khoảng 100 mg. Ban đầu anh ta muốn cho colchicine vào sữa tắm của Khê, nhưng không mở được nắp.

Sau khi cho colchicine vào yến mạch, Lợi lại dùng một phần để pha chế ít thuốc mang theo bên mình, phần còn lại được trung hòa bằng axit clohydric trước khi vứt đi.

‘Thấy chết không cứu’

Theo ý kiến chuyên gia được cơ quan công tố cung cấp, nếu phát hiện ngộ độc colchicine và điều trị kịp thời thì tỷ lệ sống sót cao.

Khê cho biết vào ngày 6/4/2024, một ngày trước khi Lam ăn yến mạch, Lợi không về ký túc xá. Ngày thứ ba Lam nhập viện, Lợi mới trở lại. Câu đầu tiên anh ta nói sau khi vào phòng là hỏi Khê: “Cậu có thấy khó chịu ở đâu không?”. Khê nói không, sau đó nhắc tới việc Lam phải nhập viện.

Lợi không hỏi thăm tình hình của Lam, chỉ nói mình bị đau họng do cúm. Anh ta còn sang phòng bên cạnh để hỏi những người khác xem họ có khỏe không. Lúc đó, Khê không cảm thấy bất thường nên không hỏi chi tiết.

Công tố viên chỉ ra rằng sau khi Lam nhập viện, phía nhà trường và gia đình Lam từng nghi ngờ Lợi và nhiều lần hỏi anh ta có phải là kẻ đầu độc không. “Đáng tiếc, tôi đã không thừa nhận”, Lợi bình tĩnh nói trước tòa lý do là “sợ hãi và ôm tâm lý may mắn sẽ thoát tội”.

Hành vi của Lợi bị người nhà Lam chỉ trích “thấy chết không cứu”, kiên quyết không tha thứ và đề nghị tòa đưa ra hình phạt nghiêm khắc nhất.





Trương Hải Lam được bạn bè nhận xét có tính cách ôn hòa, tốt bụng, hay xấu hổ, được nhiều người yêu mến. Ảnh: Jimu News

Trương Hải Lam được bạn bè nhận xét có tính cách ôn hòa, tốt bụng, hay xấu hổ, được nhiều người yêu mến. Ảnh: Jimu News

Lời hối hận muộn màng

Trước phiên tòa xét xử, Lợi đã nộp đơn xin giám định tâm thần nhưng bị bác bỏ vì không có tiền sử bệnh tâm thần và có ý thức tỉnh táo vào thời điểm gây án.

Khi bào chữa trước tòa, Lợi luôn phủ nhận có âm mưu từ trước.

Bên công tố cáo buộc Lợi đã tham gia một khóa học về colchicine ở trường đại học để tìm hiểu về độc tính của nó. Anh ta nói đã bỏ học và chưa bao giờ lên lớp.

Bên công tố chỉ ra Lợi liên tục đọc tin tức liên quan đến các vụ đầu độc trong khuôn viên trường vào tháng 1/2024, anh ta biện giải rằng đó là do điện thoại tự động đẩy tin. Bên công tố cũng cáo buộc Lợi biết các bạn cùng phòng có thói quen chia sẻ đồ ăn vặt, nhưng anh ta khăng khăng phủ nhận.

Trên tòa, Lợi nói thấy tự trách và hối hận vì hành vi bản thân gây ra, nhiều lần xin lỗi gia đình bị hại.

Luật sư bào chữa cho rằng đối tượng đầu độc của Lợi là Khê, như vậy đây là hành vi giết người bằng cách đầu độc bất thành đối với Khê và sơ suất gây chết người đối với Lam.

Luật sư nói Lợi có “cách tư duy khác với người thường”. Anh ta sống khép kín, không có bạn bè thân thiết, không trò chuyện với cha mẹ và thích nghiên cứu quân sự. Anh ta thường giao tiếp với người khác trên mạng nhưng thiếu kinh nghiệm xã hội trong đời thực và “không có trí tuệ cảm xúc”.

Còn bên công tố cho rằng, Lợi có kiến thức về colchicine hơn người thường và hiểu rõ về tiêu chuẩn liều lượng của colchicine, nhưng đã bỏ một lượng đủ gây chết người vào đồ ăn của bạn. Động cơ gây án là do mâu thuẫn kéo dài với bạn cùng phòng, tích lũy thành hận thù. Sau khi bạn trúng độc nhập viện, anh ta vẫn che giấu sự thật.

Lợi bị công tố viên đề nghị án tử hình về tội Cố ý giết người.

Tòa chưa tuyên án.

Tuệ Anh (Theo Jimu News)